Kinh nghiệm thi IT Passport

Là một người xuất thân từ khoa Công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa, trong khi các bạn đã và đang thi AP, AWS, v.v. thì mình mới chỉ lấy được IT Passport (IP). Cũng vì ngày xưa không nghĩ sẽ làm IT nên mải mê kiếm tiền, không chịu đi học nên bây giờ nghiệp vả không trượt phát nào. 

Bạn có thể xem đây là bài chia sẻ của một bạn xuất thân bunkei – khối xã hội. Hy vọng sẽ giúp được cho những bạn cần tìm hiểu. 

1. Đánh giá tổng quan

Nhiều người nhận định rằng IP là cấp bậc cơ bản của các chứng chỉ liên quan đến IT tại Nhật, sau đó là FE, v.v. Tuy nhiên, mình cho rằng điểm khác của các kỳ này là đối tượng mà nó hướng đến. 

Với FE, cấu trúc đề thi có đến 70% các câu hỏi liên quan đến kỹ thuật, còn lại 30% bao gồm các câu hỏi về chiến lược và quản lý. Trong khi đó, tỷ lệ câu hỏi giữa các phần được phân chia đồng đều trong đề thi IP. Có thể thấy rằng, những kiến thức liên quan đến chiến lược và quản lý được chú trọng nhiều hơn ở chứng chỉ IP. 

Chứng chỉ IP phù hợp với những bạn làm các vai trò tổng quan như khối văn phòng, sales, comtor, hay những bạn muốn phát triển lên các vị trí như Business Analyst, Consultant, CSM, v.v, những vị trí phải tiếp xúc nhiều với khách hàng, hay hỗ trợ Project Manager để chạy dự án suôn sẻ hơn.


2. Kiến thức của IT Passport 

Dải kiến thức của kỳ thi này được chia thành 3 nhóm chính: 

① 戦略(Chiến lược – Strategy)

Phần này có cảm giác như mình được học để trở thành 1 CEO, điều hành 1 tổ chức với những kiến thức căn bản về doanh nghiệp,  ví dụ như: 

  • Các định nghĩa nền liên quan đến doanh nghiêp 
  • Các phương pháp phân tích dữ liệu để hoạch định chiến lược 
  • Các khái niệm liên quan đến tài nguyên trong doanh nghiệp và các thuật ngữ liên quan
  • Kiến thức cơ bản về sales, về marketing, v.v.

② 管理 (Quản lý – Management)

Phần này gần giống như mình sẽ đóng vai 1 PM và học về các khái niệm liên quan đến quá trình thực hiện dự án. Vì đây là kiến thức quản lý dự án căn bản nên có thể áp dụng với bất kì dự án nào. 

Một số khái niệm bạn sẽ gặp trong phần này như: 

  • 要件定義 Định nghĩa yêu cầu
  • システム設計 Thiết kế hệ thống (内部設計・外部設計)
  • リスク管理 Quản lý rủi ro 
  • PDCA (Plan Do Check Action) 

③ 技術 (Kỹ thuật – Technical)

Với những ai chưa học ITP và non-tech thì thường nghĩ đây là phần khó nhất. Nhưng thật ra, kiến thức kỹ thuật của ITP khá là căn bản, đa phần là “cưỡi ngựa xem hoa” và nhiều nội dung gần gũi với cuộc sống nên không khó như tưởng tượng. 

Mình thấy phần này toàn lý thuyết, học thuộc là được. Còn các kiến thức liên quan đến giải thuật, tính toán, v.v. tương đương với toán cấp 2. Có lẽ điểm khó nhất là dịch được đề và áp dụng công thức vào tính toán. 

Lúc mình thi, mình vứt luôn 1 câu phần này vì quên mất công thức tính… tổ hợp.

3. Cách thức thi 

Bài thi ITP làm trên máy tính tại địa điểm thi (Computer-Based Testing). 

Cấu trúc đề thi 

Đề thi có 100 câu hỏi làm trong 120 phút, được chia làm 3 phần (như đã giới thiệu ở trên), bao gồm: 

  • 35 câu hỏi về chiến lược 
  • 20 câu hỏi về quản lý
  • 45 câu hỏi về kỹ thuật 

Cách tính điểm

Mỗi câu hỏi sẽ có số điểm khác nhau. Để đỗ chứng chỉ IP, bạn phải đạt được 600 điểm trở lên và không phần nào dưới 300. 

Đăng ký thi: Online – Lệ phí thi 5700¥ (mình không biết ở VN đăng ký như thế nào)

Lưu ý 

Ở Nhật, kỳ thi IP được tổ chức hàng tháng. Tuy nhiên, vì số lượng người đăng ký dự thi lớn, bạn nên đăng ký trước khoảng 2 tháng để giữ chỗ.

Ở Việt Nam, kỳ thi này chỉ được tổ chức 2 lần, vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Đề thi bằng tiếng Anh với bản dịch tiếng Việt level Google Translate. 

4. Cách thức ôn tập 

Dưới đây là các tài liệu mình sử dụng: 

① 令和2年いちばんやさしいITパスポート – 絶対合格の教科書 

② ITパスポート過去問題集かんたん合格. (Mình không tiến cử quyển này vì số bài ít, dù giải thích kết quả khá cặn kẽ. Thay vào đó, bạn có thể dùng app ITパスポート có icon là IT 2021 パスポート màu xanh đậm sẽ có nhiều bài để ôn hơn)

Đánh giá cá nhân 

Nội dung của sách được viết đơn giản, giải thích dễ hiểu, tuy nhiên, sẽ phù hợp hơn với bạn nào đã đi làm và trực tiếp trải nghiệm các nội dung đó. Với những bạn sinh viên hoặc chưa có kinh nghiệm làm ở công ty IT sẽ khá khó để có thể hình dung nếu không có người hỗ trợ. 

Ngoài ra, kiến thức trong 2 cuốn này chỉ đủ để đỗ – không thể đỗ được điểm cao. Đề thi cập nhật theo trend, như lần mình thi, nội dung liên quan đến security và IoT ra rất nhiều. Bên cạnh đó, đề thi còn có câu hỏi liên quan đến đối sách của chính phủ Nhật, nếu không đọc tin tức về lĩnh vực này sẽ không thể làm được.

Kinh nghệm đi thi thực tế

Thật ra mình đi thi khi đang đứng 1 lớp dạy ITP cho các bạn muốn chuyển việc. Vì vậy, trước khi đi thi, các kiến thức trong sách đã được mình xào đi xào lại cỡ 4 ~ 5 lần. Cộng thêm việc mình làm khá nhiều vị trí trong công ty nên khá tự tin sẽ đỗ.

Vậy nhưng lúc làm bài thi, mình cũng chỉ làm được khoảng 80% vì có những khái niệm mình không gặp trong sách hay trong công việc, và do kiến thức trải rộng nên đôi chỗ mình đã bị quên. 

P/s: Đây là cách mình áp dụng khi ôn thi – dạy cho người khác. Bởi khi dạy, mình phải giải thích cho người ta hiểu thì mới gọi là nắm được chắc, kết quả khi thi là kết quả thật chứ không phải ăn may đánh bừa mà qua. Thật ra thì mình lười học, mở một lớp rồi vừa dạy, vừa trao đổi với người khác thú vị hơn nhiều. (Một lần nữa, đây là suy nghĩ cá nhân, mong các bạn không để tâm quá nhiều.)

5. Các câu hỏi liên quan 

※ Mất bao lâu để học xong?

Nội dung sách ① gồm 15 chương. Mình chia 1 chương học trong 3 buổi, mỗi buổi 1.5 tiếng, trong đó có 2 buổi đầu học lý thuyết, buổi thứ 3 chữa bài tập liên quan. Nếu ngày nào cũng giữ được tốc độ 1.5 tiếng như vậy thì chỉ cần gần 2 tháng là có thể hoàn toàn học hết nội dung của 2 quyển kia. 

※ Nên tự học hay nên học theo lớp?

Hoàn toàn có thể tự học được.

Như đã nói ở trên, kiến thức toàn những cái căn bản. Cái khó của IP là nhiều thuật ngữ và nhiều nội dung mà nếu không đi làm trải nghiệm thực tế trong công việc thì không hiểu được. Với những bạn sinh viên hoặc từ các ngành không liên quan thì mình khuyên các bạn nên tìm một người hướng dẫn. 

※ Trong quá trình học có những khó khăn gì? 

Cá nhân mình thấy khó khăn nhất là khó giữ được động lực. Càng có tuổi càng có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động. Chẳng hạn như, bạn đang học hăng say thì gặp chỗ khó, lúc đấy chỉ muốn “đốt sách” và đi ngủ.

Tuy nhiên, IP cho mình cảm giác học thích hơn là học JLPT. Lý do là vì, các kiến thức của IP cần thiết, gắn liền với công việc nên tạo được hứng thú. Dù công ty mình không bắt ép nhân viên phải có chứng chỉ này, nhưng đây là lần đầu tiên mình nghiêm túc học 1 chứng chỉ gì đó vì thích như vậy. 

Một lần nữa, hy vọng bài viết của mình giúp được ai đó. 

#Một số từ chuyên ngành được sử dụng trong bài viết: AP (Applied Information Technology Engineer Examination), AWS (Amazon Web Service), IT Passport (IP), FE (Fundamental Information Technology Engineer Examination), CSM (Customer Success Management)

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai