Review kỳ thi lấy chứng chỉ phiên dịch y tế 医療通訳技能検定試験 (Phần 2)

Link phần 1: Review Kỳ thi lấy chứng chỉ phiên dịch y tế 医療通訳技能検定試験 (Phần 1)

Ở phần trước mình đã chia sẻ về cấu trúc kỳ thi lấy chứng chỉ phiên dịch y tế 医療通訳技能検定試験. Phần này mình sẽ đi sâu vào nội dung thi và cách mình đã ôn tập cho kỳ thi này.

Do vấn đề bản quyền nên mình không thể chia sẻ đề thi lên đây được, bạn nào quan tâm và muốn biết rõ hơn về nội dung thi thì có thể đăng ký mua 過去問 (đề thi cũ) các năm trước nhé. Đề thi cũ được Hiệp Hội bán thông qua công ty WAP, SĐT 03-5447-8808 hoặc website https://a-wap.com/test/.

3. Nội dung kỳ thi

Dù tên kỳ thi là Kỹ năng phiên dịch y tế nhưng bài thi thì không chỉ có dịch thuật, mà còn kiểm tra khá kỹ cả kiến thức về y tế nữa. Để mọi người hình dung rõ hơn thì mình sẽ nói qua về các phần thi một chút.

Bài thi thường gồm các phần:

3.1. Giải phẫu cơ thể

Ví dụ, đề bài cho hình vẽ các bộ phận của tim/mắt/tai và đánh dấu khoảng 10 chỗ, và yêu cầu hãy trả lời tên bộ phận bằng tiếng Nhật là gì… Câu này thì không phải viết tay, mà đề sẽ cho sẵn từ rồi yêu cầu thí sinh chọn trong danh sách và điền vào. Cái này thì phải học hết các hình vẽ giải phẫu và tên tiếng Nhật + tiếng Việt, nếu không sẽ không trả lời được. Như năm nay mình học là mình cũng học hết từ tim, tai, mắt đến cơ quan nội tạng, cơ quan tiêu hoá, xương sọ, não v..v các kiểu theo đề cương luyện thi của WAP ^^. Các bạn đăng ký thi qua WAP năm nay đều được tham gia group ôn thi và được công ty hỗ trợ tài liệu các phần.

3.2. Phần yêu cầu dịch từ lẻ

Có danh sách khoảng 20 từ, trong đó 10 từ tiếng Nhật và 10 từ tiếng Việt. Yêu cầu dịch chéo sang ngôn ngữ còn lại. Cái này năm nay mình thi thì không phải chọn từ danh sách mà là tự nghĩ ra từ tương ứng rồi tự viết tay câu trả lời vào bài. Làm cuối giờ cũng hơi có tí hốt hoảng suýt thì bỏ cả bài, may sau cũng định thần nhớ ra được kha khá. Phần này thì không có đề cương, chủ yếu dựa trên vốn từ thực tế. Ai hay đi dịch hoặc làm liên quan tới ngành y thì chắc lợi thế hơn. Như mình thì may cũng hay đọc báo, tài liệu, bài viết về y tế nên cũng nhớ được khá nhiều.

Review kỳ thi lấy chứng chỉ phiên dịch y tế 医療通訳技能検定試験 (Phần 2)
Dù tên kỳ thi là Kỹ năng phiên dịch y tế nhưng bài thi thì không chỉ có dịch thuật, mà còn kiểm tra khá kỹ
cả kiến thức về y tế nữa

3.3. Trắc nghiệm đúng/sai về kiến thức y tế

Nội dung này bao gồm nhiều mảng, như hỏi về chức năng các bộ phận trên cơ thể, về các loại xét nghiệm, triệu chứng các loại bệnh v..v…. Chẳng hạn có câu như thế này, điền chọn đúng hay sai?

Ví dụ:

  1. ホルター心電図検査とは、24時間ホルターを装着し、日常に起きる心臓の異常を調べる検査である (Máy đo điện tim Holter được dùng để theo dõi nhịp tim liên tục trong vào 24 giờ, đúng hay sai?)

2. 右心室の壁が左心室より厚いのは心臓から全身へ血液を送り出すので、筋層が発達しているからである。(Thành của tâm thất phải dày hơn và lớp cơ phát triển tốt hơn tâm thất trái vì nó bơm máu từ tim đi khắp cơ thể, đúng hay sai?)

Phần này yêu cầu bạn phải có kiến thức nền nhất định về các loại bệnh, các cơ quan trong cơ thể cũng như khả năng đọc hiểu tiếng Nhật. Ví dụ khi học về tim thì ngoài hình giải phẫu tim với các vị trí của các van tim, các động mạch… bạn phải tra cứu thêm về cấu tạo và chức năng của từng van, từng động mạch… thì mới làm được bài.

Năm nay mình thi còn có một phần gồm list hơn 10 từ tiếng Việt chỉ bộ phận, tên bệnh… sau đó là khoảng 10 câu miêu tả 1 đặc điểm, triệu chứng bệnh nào đó cũng bằng tiếng Việt rồi yêu cầu ghép vào với nhau. Cái này thì vì là tiếng Việt nên chỉ cần có kiến thức y tế là được.

3.4. Chế độ bảo hiểm, hệ thống y tế Nhật, đạo đức của người phiên dịch

Bài thi có cả phần hỏi về chế độ bảo hiểm của Nhật, hệ thống y tế Nhật và một bài riêng về đạo đức của người phiên dịch y tế + các skill của nghề phiên dịch… Rất may phần này thì trong đề cương của WAP cũng có khá kỹ nên chỉ cần chăm chỉ học theo thì cũng làm được khá nhiều.

3.5. Dịch đoạn văn từ Việt sang Nhật

Phần khó nhất và cũng liên quan tới dịch thuật nhất, chính là phần dịch đoạn văn từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Có năm còn có hẳn 2 bài dịch, 1 bài Nhật – Việt và 1 bài Việt – Nhật. Năm nay mình thi chỉ có 1 bài thôi, không thì có khi mình cũng chả làm hết được. Đề thi năm nay là yêu cầu dịch 1 đoạn văn khoảng hơn 10 dòng nói về bệnh hẹp van tim, các triệu chứng và lưu ý,…

Phần dịch này với ai không quen dịch theo mình nghĩ là khá khó. Cá nhân mình cũng hay dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt hơn, nhưng may là do hay đọc tài liệu nhiều và khi đọc mình cũng hay chú ý cách dùng từ, hành văn của văn bản gốc nên may vẫn dịch được hết cả 10 câu + viết tay bài ra giấy trong 30 phút cuối giờ.

Phần này mình thấy nhiều bạn thi cùng, kể cả mấy em làm điều dưỡng theo EPA cũng kêu khó và không làm hết. Mình nghĩ cái này phụ thuộc nhiều vào việc mình quen dịch hay đọc tài liệu nhiều tới mức nào.

Review kỳ thi lấy chứng chỉ phiên dịch y tế 医療通訳技能検定試験 (Phần 2)
Việc đăng ký và đi thi giúp mình nghiêm túc với việc học hành hơn, và việc ôn thi cũng giúp mình củng cố thêm nhiều
kiến thức hơn

4. Phương pháp ôn thi

Lúc gần sát thi mình cũng thấy khá khủng hoảng do học trước quên sau…Sau mình mới nhận ra là nếu chỉ đọc tài liệu mà không áp dụng vào đề thi làm thử, thì mình sẽ không biết rõ là cần đọc thêm cái gì khi học về từng phần.

Tổng cộng thời gian mình ôn tử tế là khoảng 3 tuần trước khi thi. Mỗi tối mình ôn tầm 1-1.5 tiếng, hôm nào chăm chỉ thì 2 tiếng. Cũng có hôm mệt quá thì mình chỉ đọc lướt qua rồi đi ngủ. Tài liệu mình ôn chủ yếu theo bộ tài liệu của WAP cung cấp. Ngoài ra, mình cũng google thêm để đọc kỹ hơn những đoạn cần thiết, hoặc những phần trong đề năm cũ hỏi mà đề cương lại không đề cập tới.

Lúc gần sát thi mình cũng thấy khá khủng hoảng do học trước quên sau. Rõ ràng đọc đề cương rồi mà lúc làm thử vào đề vẫn thấy như mới. Sau mình mới nhận ra là nếu chỉ đọc tài liệu mà không áp dụng vào đề thi làm thử, thì mình sẽ không biết rõ là cần đọc thêm cái gì khi học về từng phần. Vì thế, tầm 5 ngày cuối mình luyện lại đề cũ rồi đọc thêm về các kiến thức mà đề hay triển khai, nên sau cũng cảm thấy đỡ mông lung hơn nhiều. Chứ thú thật lúc mới ôn một tuần đầu mình cảm giác chỉ muốn bỏ thi quách cho xong vì… lắm thứ phải học quá.

Nếu cho mình làm lại thì có lẽ mình sẽ học hành sớm hơn, khoảng 2 tháng trước khi thi gì đó. Chứ mình học 3 tuần như vậy mà lúc vào phòng thi cũng phải đuổi hình bắt chữ một số đoạn, đề thi 2 tiếng mà mình cũng làm vừa vặn hết thừa đúng 3 phút cuối giờ để soát thôi.

Vậy nên nếu ai xác định thi nghiêm túc để lấy chứng chỉ thì mình nghĩ nên học sớm và mua đề thi cũ về nghiên cứu trước. Còn bạn nào muốn thi mà đọc phần mình viết ở trên thấy hốt quá thì …đừng sợ, đến thi JLPT mà còn nhiều người thi 2-3 lần mới đỗ mà. Mình cứ đăng ký thi rồi học rồi thi cọ xát vài lần cho chắc kiến thức mình nghĩ cũng hay. Quan trọng là việc đăng ký và đi thi giúp mình nghiêm túc với việc học hành hơn, và việc ôn thi cũng giúp mình củng cố thêm nhiều kiến thức hơn.

Thôi đấy, bảo review nhanh mà cuối cùng lại thành dài quá rồi. Mọi người ai quan tâm tới kỳ thi có thể theo dõi các bài đăng hướng dẫn về kỳ thi trên group Cùng học tiếng Nhật y tế để theo dõi thêm các thông tin về kỳ thi cũng như các lớp luyện thi sắp tới nhé.

Đọc thêm về trải nghiệm đi làm của mình tại blog “Chia sẻ và trải nghiệm của Mai”

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai