Làm IT nhưng có thù với code

Phần 1: Làm IT nhưng có thù với Code (P1)

Tiếp theo bài viết ở phần trước, phần này mình sẽ giới thiệu chi tiết hơn về công việc Sales IT cũng như những kỹ năng bạn nên chuẩn bị khi muốn vào làm việc trong công ty IT

Làm IT nhưng có thù với Code
Công việc Sales IT  như nào?

1. Giới thiệu công việc Sales IT 

Lại một nhầm tưởng nữa về sales IT đó là salesman như mình sẽ trực tiếp đi tìm kiếm khách hàng và “câu kéo” khách hàng mua sản phẩm của công ty mình. Thực tế không phải như vậy. 

Có hai khái niệm cần phân biệt rõ là B2CB2B. 

B2C (Business to Customer) : sản phẩm hướng tới những người dùng đơn lẻ như các công ty sản xuất đồ ăn, dầu gội,…

B2B (Business to Business) : hai công ty làm việc với nhau, ví dụ công ty A chuyên cung cấp các sản phẩm trang trí nội thất văn phòng cho các doanh nghiệp muốn decor (trang trí) lại không gian văn phòng của họ. 

IT có thể xem là ngành cung cấp solution (giải pháp) và thông thường sẽ giải quyết các vấn đề mà một doanh nghiệp gặp phải. Vì vậy, sales IT không thể là một cá nhân đi tìm khách hàng đang ở đâu đó được mà là hai doanh nghiệp phải làm việc với nhau. Giả sử mình có quen một bác giám đốc nào đó và bác rất thích sản phẩm Offshore của công ty mình nhưng hội đồng quản trị của công ty bác ấy lại không đồng ý thì cũng không được. 

Cho nên, công việc của sales IT có thể chia thành 3 mảng chính. 

Marketing: chuyên đi thu thập thông tin của khách hàng, gọi là leads.

Inside Sales: chuyên lấy các leads nhận được từ Marketing và đặt lịch hẹn các kiểu.

Outside Sales (hay còn gọi là Field Sales): là phần việc sau khi Inside sales đã đặt được lịch hẹn rồi sẽ tiến hành approach (tiếp cận) khách hàng, hearing (lắng nghe và tiếp nhận) vấn đề, transfer (chuyển giao) cho đội tư vấn để đưa ra giải pháp và take care (chăm sóc) khách với mục đích nhận được 発注書 (đơn đặt hàng) từ khách. 

Lưu ý, có nhiều mô hình sales khác nhau. Ví dụ, theo SaaS (Sales as a Science) nghiệp vụ của sales không dừng lại ở thời điểm kết thúc hợp đồng mà còn kéo dài mãi. Kể cả khi đã bàn giao sản phẩm cho khách hàng, sales vẫn phải có các hoạt động CSM (Customer Success Management) hay After Follow… 

Kinh nghiệm cá nhân

Ở HBLAB – nơi mình làm việc với vị trí sales trước đây, mình đã làm nội dung công việc gần giống Outside Sales/ Field Sales. Nghĩa là mình không trực tiếp đi tìm khách mà sẽ đảm nhận việc lắng nghe khách, tìm ra vấn đề, kết nối với bên tư vấn và đề xuất giải pháp để khách hàng có thể giải quyết vấn đề của họ.

Để nói sâu hơn về công việc Field sales chắc mình cần viết nguyên một cuốn sách, nên tạm thời mình sẽ chỉ nói sơ qua thôi nhé. Mình đi lên vị trí này từ việc làm Comtor (phiên dịch trong các dự án). Sau đó, mình có làm B2B và B2C ở ngành nghề khác trong vài năm.

Đến thời điểm quay lại với IT thì mình cũng chập chững học từ những bài học rất đơn giản. Bài học đầu tiên mình được học ở HBLAB đó là vẽ Flowchart (sơ đồ quy trình). Suốt nửa năm sau thì bất cứ lời nói, câu chữ nào của mình khi trao đổi với khách đều được chị mentor (người hướng dẫn) chỉ từng li từng tí, mặc dù mình cũng đã có kinh nghiệm dạy tiếng Nhật từ sơ cấp đến thượng cấp trong vòng 7 năm.

Mình bắt đầu từ những tác vụ đơn giản, tham gia vào dự án để hiểu 1 quy trình làm dự án có những đặc thù như thế nào, học về chu trình sales để biết được cần phải làm gì, hỗ trợ các anh chị lớn khi các anh ấy làm việc, học cách đọc hợp đồng,… Đến thời điểm hiện tại đã có 1 vài khách mình catch up riêng, nhưng vẫn có nhiều khách mình phải nhờ các anh lớn vào ngồi cùng vì không tự tin có thể hearing được cụ thể vấn đề mà họ đang gặp phải. 

Flowchart (Sơ đồ quy trình)

2. Nên chuẩn bị những gì khi muốn vào làm việc trong công ty IT? 

Khi tìm việc ở Nhật, mình đã ngồi cầm bút viết ra danh sách các tiêu chí. 

  1. Công ty phải ở Tokyo 
  2. Nenshu (thu nhập năm) tối thiểu phải… 
  3. Nội dung công việc trong các ngành… 

Bản thân mình vốn không phải là có đam mê với ngành này và chọn nó từ đầu. May mắn cũng nhận được vài offer (lời mời làm việc) của 3 – 4 ngành khác nhau và mình đã chọn HBLAB khi quyết định sang Nhật. Dù đây có thể không phải là công ty ra offer đến mình với giá cao nhất, nhưng là nơi mà mình thấy phù hợp nhất vào thời điểm đó.

Làm IT hay bất cứ công việc gì trong thời đại này, các kỹ năng dưới đây có thể xem như điều kiện tối thiểu: 

1. Logical Thinking – suy nghĩ, trình bày logic.

2. Tin học văn phòng cơ bản 

Tại thời điểm bắt đầu làm sales IT, hành trang của mình không có gì khác ngoài cái bằng đại học kỹ sư Bách Khoa, không viết nổi một dòng code, N2 lấy từ năm 2015 và tâm hồn vô cùng đẹp. Nhưng mình may mắn có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực thực tế trong 5 – 6 năm đi làm nên cũng có thể xem là có chút niềm tin.

Trong bài viết giá trị của N1 mình viết trước đây đã nói qua, làm IT hay bất cứ công việc gì trong thời đại này, các kỹ năng dưới đây có thể xem như điều kiện tối thiểu: 

1. Logical Thinking – suy nghĩ, trình bày logic.

2. Tin học văn phòng cơ bản 

Ít nhất phải xài được Word và PowerPoint. Excel thì có thể không rành nhưng phải biết căn chỉnh hàng cột thế nào để người ta nghĩ mình giỏi excel.

3. Xác định làm liên quan đến nước ngoài thì phải không ngừng trau dồi ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa nước đó. 

Nhiều bạn vất vả có N2 và quyết định tạm dừng việc học vì nghĩ đã đủ. Nhưng HR của Amazon nói với mình rằng điều kiện để làm sales ở Amazon là native speaker tiếng Nhật, N1 là điều kiện tối thiểu. Nghĩa là bản thân người đó phải đạt trình nói tiếng Nhật như người bản xứ chứ không phải chỉ cần hai bên hiểu nhau được là được

4. Cái nhìn bao quát về công việc mình sẽ làm. 

Ví dụ làm sales thì sẽ có career path như thế nào? Mình sẽ ở level Junior trong mấy năm, sau mấy năm nữa sẽ phải đạt được level Senior. Nếu trở thành senior mình cần phải đạt được các yêu cầu gì,… 

5. Kiến thức trong quá trình học các chứng chỉ thực tế.

(Đây là optional – không bắt buộc)
Ví dụ như mình có kinh nghiệm đi làm tận 5 năm trước khi chính thức làm sales IT, nhưng với những bạn mới ra trường thì lấy đâu ra. Vì thế, các chứng chỉ mang tính thực tiễn như IT passport, boki, BJT… sẽ có lợi thế rất nhiều khi các bạn làm việc. Vì chúng sẽ cho mọi người nhiều khái niệm chuyên môn mà đến khi đi làm nếu có tiếp xúc cũng sẽ không bỡ ngỡ. 

Cuối cùng là… 

Chứng chỉ không quan trọng. Kiến thức trong quá trình học chứng chỉ đấy mới quan trọng. 

Một bài viết siêu dài nhưng những điều mình muốn truyền tải vẫn còn rất nhiều. Nếu các bạn có nội dung gì muốn giải đáp mà mình có thể trả lời được, cứ bình luận dưới đây nhé! 

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai