Một Nhật Bản lạnh lùng (Phần 4)

Phần 2

Lứa chúng tôi được đánh giá là “ưu tú”, chính vì thế mà Chủ tịch quyết định, ngoài công việc chính mỗi đứa đang phụ trách, chúng tôi sẽ được thử nghiệm khả năng “phát triển sản phẩm”. Để chúng tôi bớt bỡ ngỡ với nhiệm vụ mới, ông đã sắp xếp thời gian để nói chuyện, chia sẻ với chúng tôi chừng hai tiếng, từ 1 cho tới 3h chiều.

Và tôi đã phạm một sai lầm không thể tha thứ…

Tôi NGỦ GẬT trong buổi trò chuyện ấy, ngay trước mắt ông và anh Natsuki – Phó Giám đốc, đồng thời cũng là con trai ông.

Sau “tội ác” đó, khi quay trở lại chỗ Sếp trực tiếp Kubo Sanae để sẵn sàng nghe trách cứ, nhìn bộ dạng của tôi, chị có lẽ cũng thương quá không nỡ mắng nữa, chỉ nở một nụ cười hiền mà bảo “Chị phục em thật đấy An chan ạ! Tại sao em lại có thể ngủ được trước mặt Chủ tịch chứ nhỉ? Chị thì chỉ cần có mặt ở nơi nào có Chủ tịch thôi, là mọi giác quan tự động căng lên vì sợ rồi, ngủ thế nào nổi! Thôi, em qua chỗ Sếp trùm Kumiko đi!”

Kumiko đón tôi với vẻ mặt căng thẳng và buồn rầu. Chắc hẳn cô cũng vừa ăn sạc một trận kinh hoàng khủng khiếp do lỗi tày đình mà tôi đã gây ra. Cô bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế gần đó, thở dài rồi bảo đứa em cưng của mình “Lần này thì chị chịu, không thể nói đỡ cho em được nữa. Chúng ta hãy cùng chờ đợi hình phạt mà thôi…”

***

Tại sao Kumiko lại dùng từ “lần này”???

Là bởi vì cách đó chừng một tuần chứ mấy, tôi đã bị chính anh Natsuki phát hiện đang NGỦ GẬT trong buổi giáo huấn, chỉ bảo của Chủ tịch dành cho toàn bộ nhân viên, sau event bán hàng hoành tráng nhất trong năm Grand Festival, kéo dài 2 ngày và được tổ chức tại khách sạn sang xịn nhất Osaka, tập hợp toàn bộ nhân viên kinh doanh từ các cửa hàng trên toàn quốc. Dịp này cũng là dịp mà các hoạt động của công ty diễn ra dày đặc. Có những ngày chúng tôi kết thúc sanjikai (bữa nhậu thứ ba trong buổi tối) lúc 2h sáng, rồi bọn nữ giới chúng tôi lại có mặt ở công ty lúc 4h để chuẩn bị bữa sáng, rồi 5h bắt đầu vào “Giờ học sớm hàng tháng” đến tận 8h. Đương nhiên, chúng tôi bắt đầu công việc thường nhật từ 8h30, như thường lệ.

Những mệt mỏi, stress do phải nỗ lực hơn trước rất nhiều đã phát sinh và tích tụ từ tháng 4, giờ được thể bùng phát vào trước dịp nghỉ lễ Obon ấy. Tôi NGỦ GẬT, lại hẳn là trong buổi giáo huấn, chỉ bảo của Chủ tịch. Anh Natsuki lại là người nhìn thấy. Mà cũng còn may vì người đó không phải là Chủ tịch.

Ngay sau ấy, Kumiko gọi tôi ra gặp riêng trong phòng họp. Cô nghiêm khắc hỏi “An chan, tại sao em lại ngủ gật như vậy?” Tôi thành thực xin lỗi vì chắc chắn đã làm cô bị mắng te tua, rồi nói thật là do tôi mệt quá, cơ thể như kiểu tới ngưỡng, nó tự kéo sụp mí mắt xuống. Cô bảo “Ai cũng mệt cả, An chan ạ! Nhưng ai cũng đều phải tự tìm ra giải pháp để không làm cái chuyện bất lịch sự ấy! Công ty mình kỵ nhất chuyện ngủ gật, tại sao em có thể quên được điều đó chứ???”

Quả thật, có một luật lệ bất thành văn và vô cùng nghiêm khắc trong công ty tôi về chuyện này. Chúng tôi không được phép ngủ trên xe trong thời gian di chuyển (bất kể là dài đến bao nhiêu) nếu như xe đó do nhân viên công ty lái, vì đó là không tôn trọng đồng nghiệp của mình. Mà làm gì có lúc nào chúng tôi ngồi xe do người ngoài lái, vì trong công ty đã có đội lái xe, vận chuyển hàng hóa riêng rồi còn đâu.

Vì thế, mỗi lần từ Trụ sở chính đi công tác ở những địa điểm bán hàng dịp event (Có khi là tầm 10 tiếng, từ Osaka lên Saitama, kể cả khi đã mệt rã chân vì hai ngày đứng liên tiếp từ 8h sáng đến 10h tối, chúng tôi vẫn không được phép ngủ. Chẳng may có gật gà chừng 2 nhịp thì y như rằng đến nhịp thứ 3, người bên cạnh đã chọc chọc cho tỉnh rồi.

Ở Việt Nam tôi vốn say xe, rất hay buồn ngủ khi di chuyển. Thế mà trong tình hình ấy, bản thân tôi đã phải luyện đủ mọi cách (ngậm ô mai, ngửi vỏ quýt, ngồi lên ghế cạnh tài xế nói cười huyên thuyên, tự kỷ ám thị “không được ngủ, không được ngủ”, tự cấu véo chân tay mình, v.v) để mà thích nghi.

Ngay cả Chủ tịch cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. Tôi chưa hề thấy ông ngủ gật lần nào, trong suốt những dịp ngồi chung xe với ông khi còn trong nhóm “Tháp tùng công tác”.

Kết quả thật đáng kinh ngạc, tôi không còn say xe nữa. Điều này thực sự giúp tôi rất nhiều cho công việc đi lại liên miên của một phiên dịch tự do sau này.

“Tại sao em không có biện pháp phòng vệ nào, để đến nỗi NGỦ GẬT như thế chứ?” Kumiko nhướng đôi mắt rất nâu lên nhìn tôi, đầy vẻ nghiêm khắc. Tôi không biết nói sao nữa, đành kéo cao tay áo lên cho cô xem. Hai cườm tay tôi đỏ ửng, chi chít vết móng tay tôi tự cấu mình suốt 3 tiếng đồng hồ nghe diễn thuyết đó. Những vết móng tay sâu, nhiều vết bật cả máu ấy, hai hôm sau mới lặn hết hoàn toàn. Tôi không giở ra cho cô xem, nhưng hai đùi tôi khi ấy cũng đang hằn đầy những vết cấu véo. Tôi đã để rơi nước mắt “Em đã uống cà phê rất đặc rồi, và em cũng đã làm hết cách có thể rồi…”. Và Kumiko cũng rơm rớm nơi hàng mi…

Có lẽ vì thế mà tôi không bị xử lý sau vụ việc tày đình đó. Khi tôi tới gặp để nói lời xin lỗi, anh Natsuki chỉ rất nghiêm khắc nhìn tôi suốt 2 phút rồi thở dài “TUYỆT ĐỐI không để việc này tái diễn một lần nào nữa nhé!”

Thế mà…

***

Sau kỳ nghỉ Obon ấy, tôi bị giáng từ “Công việc tổng hợp” xuống “Công việc thông thường”.

“Công việc thông thường” đồng nghĩa với việc lương sẽ giảm gần một nửa so với “Công việc tổng hợp”. Thậm chí còn mất cả khoản “phụ cấp MC tầng thượng” vì không đủ tư cách ở trong đội đó nữa.

Bù lại, “Công việc thông thường” nghĩa là chỉ cần có mặt ở công ty lúc 8h và ra về lúc 17h, chứ không làm việc tới tận lúc có dấu hiệu cho thấy được về, có thể vào đủ mọi khung giờ, rải rác từ 19h30 đến 1h sáng như “Công việc tổng hợp”.

Dấu hiệu rõ rệt nhất là khi bác Kato – Phó giám đốc điều hành đứng dậy và bảo “お先に失礼致します。Tôi xin phép về trước”, rồi tất cả những người khác đồng thanh “お疲れ様でした。Cảm ơn anh đã nỗ lực đến phát mệt lên rồi!”(Cái này tôi dịch láo nháo chút cho vui). Dấu hiệu rõ thứ hai là khi Sếp trùm giới nữ (kiêm Trưởng phòng Quản lý bán hàng nơi tôi thuộc biên chế) lên tiếng “5 phút nữa về nhé các cô gái!”

Tuy nhiên, đấy là trên lý thuyết.

Còn thực tế là tuy bị giáng xuống “Công việc thông thường”, nhưng 7 cửa hàng tôi phụ trách thì không nhảy xuống bất cứ một con số nào. Ban đầu tôi nghĩ, có lẽ các sempai của tôi cũng đã ở mức không thể nhận thêm một cửa hàng nào nữa vì quá tải, việc nhập liệu nhiều khi phải đẩy qua cho nhân viên thời vụ làm giúp. Về cơ bản, tôi cũng có thể đẩy bớt việc nhập liệu qua cho nhân viên thời vụ, nhưng quả thực họ cũng tối mắt tối mũi rồi, nên trước nay tôi vẫn cố gắng tự làm mọi thứ.

Thế là tôi bắt đầu nhận lương “Thông thường” và vẫn làm việc như một “Tổng hợp”. Chỉ thỉnh thoảng lắm tôi mới được rời công ty vào lúc 17h hay sau 17h nhưng sớm hơn đội “Tổng hợp”. Chả còn cách nào cả, vì nó vẫn là công-việc-của-tôi. Vì thế mà cả tháng đầu, tôi đã mang theo vẻ mặt rất buồn chán.

Nhưng rồi một ngày kia, tôi nhớ lại và nhận ra rằng, tất cả trường hợp bị giáng từ “Tổng hợp” xuống “Thông thường” do mắc một lỗi không thể tha thứ nào đó đều tự xin nghỉ việc sau một thời gian ngắn. Người trước tôi là Mitsubashi – ngôi sao của Văn phòng Tokyo, từng một thời được “siêu sủng ái”. Lý do thất sủng của cô là: Chủ tịch dùng tay tìm thấy một vết bụi ở một góc khuất nào đó trong căn hộ nguyên tầng sang trọng của ông tại Yotsuya.

Tôi nhớ lại và nhận ra rằng “Mình đang bị ép để tự xin nghỉ việc!”

Nhưng mà tôi không thể xin nghỉ việc được. Ước mơ của tôi còn đó! Cái ước mơ xây lại căn nhà cấp 4 cũ kỹ, chật chội để bố mẹ tôi được sống trong môi trường tốt hơn ấy. Nên là tôi đã quyết định mình sẽ tập trung mọi sức lực để chịu đựng cho tới khi ước mơ đó thành sự thực. Đến lúc ấy, tôi sẽ rời bỏ chỗ này.

Và thế là sau đó, do đã xác định được mục tiêu và điểm mốc kết thúc, dù là nhận đồng lương phải “thắt chặt chi tiêu” và làm việc đúng theo khung giờ với những người thuộc nhóm “Tổng hợp”, tôi vẫn luôn làm việc với tinh thần vui vẻ y như trước đây.

Ngoài công việc chuyên môn là “quản lý, hỗ trợ cửa hàng” tôi cũng vẫn thuộc nhóm tích cực nghe và trả lời điện thoại nhất tại Trụ sở chính, kể cả điện thoại phàn nàn của Khách hàng, tất nhiên là với ngôn từ lịch sử và nụ cười trên môi. Có lần tình cờ đi ngang lúc tôi đang tiếp nhận phàn nàn từ Khách hàng, anh Natsuki sau đó còn gọi tôi xuống bàn làm việc của anh. Khi tôi lật đật chạy xuống, vừa chạy vừa soát lại xem mình đã gây ra lỗi gì tiếp theo, thì anh cười và khen ngợi “Em xử lý, chuyện trò với Khách còn khéo hơn cả một số người Nhật đấy! Cố gắng phát huy nhé!”

Tôi vẫn cố gắng, hàng ngày… Và, trong thâm tâm, quả thực tôi cũng mong rằng những nỗ lực ấy của tôi sẽ được ghi nhận. Trước hết là chị Kubo Sanae, rồi Sếp trùm Kumiko, rồi bác Kato, anh Natsuki, rồi Chủ tịch. Rồi tôi sẽ được bỏ qua lỗi lầm cũ, rồi tôi sẽ được khôi phục lại “Công việc tổng hợp”… Nhưng không hề có lấy một dấu hiệu như vậy, trong suốt cả 6 tháng tiếp theo.

Và tôi thì vẫn chưa đủ tiền để thực hiện ước mơ, nên hàng ngày vẫn vui vẻ thực hiện công việc, đeo bám mục tiêu của mình. Từ trong tâm, tôi thực sự không cảm thấy bất cứ sự bất mãn nào, kể cả đối với sự ngại ngần trong tiếp xúc của một số sempai đàn chị hay kohai đàn em.

Tuy nhiên, tôi vẫn hiểu, đó là do tôi đã có mục tiêu rõ ràng. Còn nếu không, chắc chắn là tôi đã không thể còn tồn tại trong môi trường đó, sau một khoảng thời gian dài như vậy nữa. Rõ ràng, tôi sẽ đuối dần, cả thể lực và tinh thần. Không ai có thể duy trì mãi những việc mà chẳng một ai công nhận, kể cả bản thân mình, phải không?

Ảnh minh họa

“Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười

Vì mùa hạ còn nhiều tươi vui

Và lòng còn nhiều điều muốn nói”

Trích ca khúc “Vào hạ” của Lê Hựu Hà, một bài hát mà tôi rất thích qua phần trình bày của Tam ca Áo trắng

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai