Một Nhật Bản lạnh lùng (Phần 3)

Phần 1

Đó là mùa hè năm 2003. Tôi sắp 26 tuổi và đã đi làm được hơn 1 năm. Ở thời điểm ấy, có thể nói tôi đã trở thành một trong những “ngôi sao” ở công ty nổi tiếng hắc ám của mình.

Công ty tôi, theo các đàn anh đàn chị đi trước thì “toàn người tốt”, vì “Người không tốt đảm bảo không thể tồn tại trong môi trường quá sức khắc nghiệt này!”. Kể cả ở thời điểm bây giờ, ngẫm lại tôi vẫn thấy lời nói ấy của Sếp trùm giới nữ Sonoda Kumiko là vô cùng chính xác.

Sau khi vào làm được chừng nửa năm, dưới sự chỉ dạy rất tận tâm, không khoan nhượng (dù tôi là người nước ngoài duy nhất ở Văn phòng Trụ sở chính) của Sếp trùm và Sếp trực tiếp Kubo Sanae, sự hỗ trợ của các đàn chị hay bạn vào cùng năm với mình, tôi bắt đầu “le lói sáng” vì có thể làm mọi thứ không khác gì một người Nhật, kể cả công việc chính là quản lý, hỗ trợ vài cửa hàng mình phụ trách lẫn việc phụ là pha trà, rót nước, thảo mai trả lời điện thoại đặt mua hàng, thậm chí điện thoại phàn nàn từ Khách hàng.

Trừ bản tính vụng về, hậu đậu nên thỉnh thoảng cũng bị cốc đầu, tôi thậm chí còn được đánh giá cao hơn một số bạn Nhật khác vì sự nhiệt tình hay giúp đỡ người xung quanh, tự nhìn ra công việc phải làm hay có thể làm, để hỗ trợ sempai hướng dẫn.

Từ một đứa nói năng lí nha lí nhí, mặt đỏ bừng không dám nhìn ai nếu tới ngày phải làm mõ làng, hô hào khẩu hiệu trong những buổi họp 20 phút đầu giờ hàng sáng thì tôi đã “mặt dày” tới mức miệng không loa mà hô hào thuyết trình về công ty cho cả trăm Khách hàng tới thăm công ty, đảm bảo rằng người ở tận cuối khán phòng vẫn nghe rõ mồn một từng tiếng.

Đặc biệt, tôi “vụt sáng” vào một ngày kia, khi hoàn thành quá xuất sắc công việc “MC tầng thượng”, vào đúng ngày Chủ tịch công ty không đi công tác mà có mặt ở nhà.

Một event bán hàng (Phía sau chúng tôi là tấm thảm dệt thủ công của nghệ nhân Trung Quốc). Đứng cạnh và có chiều cao tương đồng với tôi là Hashimoto Reiko – bạn thân nhất và cùng phòng ký túc xá của tôi. Đến giờ chúng tôi vẫn thỉnh thoảng liên lạc qua lại, hỏi thăm nhau.

Để tôi giải thích kỹ hơn một chút về công việc của mình.

Công ty nơi tôi làm việc là một doanh nghiệp bán lẻ, với hệ thống khoảng hơn 60 cửa hàng trải dài từ Hokkaido xuống tới Kagoshima.

Chúng tôi có đủ thứ, từ gói gia vị nấu ăn, tương miso, dưa cà muối, bánh kẹo, dầu gội đầu, sữa tắm, thuốc nhuộm tóc organic, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, máy lọc nước, máy hút bụi, tấm nệm sưởi ấm có tác dụng lưu thông khí huyết hỗ trợ sức khỏe, v.v tới những sản phẩm thực sự cao cấp bán dưới hình thức event (túi da, kính, trang sức đá quý, đồng hồ Rolex, kimono handmade của những nghệ nhân Kyoto, thảm dệt thủ công cỡ lớn có khi cả năm mới xong 1 tấm từ Trung Quốc).

Tất cả đều có một đặc điểm chung là thực sự chất lượng nhưng giá thành cao hơn loại hàng phổ biến trên thị trường rất nhiều. Khách hàng của chúng tôi là những gia đình có mức sống trội hơn trung lưu trong xã hội Nhật Bản.

Từ khi vào công ty, chúng tôi được đào tạo, dạy dỗ vô cùng khắt khe để có thể làm hài lòng những Quý Khách hàng, kể từ cách nghe điện thoại, cách nói năng, cách quan sát đón ý, cách phục vụ đầy tinh tế. Ở trụ sở chính, chúng tôi bắt buộc phải có ai đó nhấc điện thoại trước khi tiếng chuông thứ 4 reo; trả lời điện thoại bằng tông giọng tươi vui, rõ ràng sao cho bên kia dù không thấy được, nhưng bằng thanh âm là biết đối phương đang cười; sử dụng kính ngữ 100%. Ngày đầu tiên mà tôi được phép nghe và trả lời điện thoại, tới khoảng 3h chiều là tôi đã đơ toàn bộ cơ mặt vì cười quá nhiều.

Khách hàng thuộc tầng lớp tương đối giàu có, nên đương nhiên họ đã luống tuổi. Vì thế, toàn bộ nhân viên chúng tôi không ai được phép nhuộm tóc bằng bất cứ màu nào khác ngoài màu đen. Công ty không khuyến khích hút thuốc bằng cách trả thêm phụ cấp sức khỏe 2 vạn yên (Khoảng 4 triệu VND) mỗi tháng với nhân viên ký cam kết không hút thuốc lá.

Để tăng cường mức độ tin cậy của Khách hàng, cũng là để xây dựng thêm nhiều chương trình giao lưu giữa các Quý Khách, các cửa hàng thỉnh thoảng sẽ tổ chức đi du lịch, trong đó tới thăm và ăn trưa tại Trụ sở chính ở Osaka là một hoạt động không thể thiếu.

Mỗi khi có Đoàn Quý Khách tới thăm như thế này, gần như toàn bộ nhân viên sẽ lên tầng thượng chuẩn bị mọi thứ, từ mặc áo cho từng chiếc ghế; căn cho chiếc nọ thẳng tắp sau lưng chiếc kia; mỗi dãy bàn cách nhau đúng một khoảng cách; những suất cơm trong hộp gỗ sơn mài đắt tiền nằm trên bàn, chính giữa khoảng cách căn từ hai đầu ghế; đũa gác một đầu lên mẫu gỗ gác đũa, và đặt ở vị trí chính giữa trong phạm vi hai mép trái phải của hộp cơm; cốc được đặt trên coaster và ở vị trí vừa tầm của tay với, v.v.

Trong thời gian Quý Khách hàng dùng bữa (chừng 70 phút), nhân viên chúng tôi đứng nép vào hai bức tường (cách khá xa chỗ ngồi của họ để không tạo cảm giác đang bị làm phiền), quan sát mọi động thái trong khu vực mình phụ trách để có thể phục vụ, hỗ trợ ngay lập tức khi Khách hàng có dấu hiệu cần phục vụ, hỗ trợ. Có một MC dẫn dắt chương trình, giới thiệu về công ty, về những địa danh nổi tiếng gần công ty, kể một chút “câu chuyện bản thân” trong đó lồng ghép thật khéo léo những điều tốt đẹp mà mình đã học hỏi được kể từ khi vào làm tại đây.

Tất cả nữ giới tại Trụ sở chính trước hết sẽ đều phải thử sức với công việc miệng không loa thuyết trình về công ty ở tầng 2. Qua được cửa ải này thì sẽ lên level tiếp theo là “MC tầng thượng”. Nếu performance ở lần thử sức đầu tiên tốt thì chính thức vào “Đội MC tầng thượng” (có phụ cấp hàng tháng đàng hoàng).

Cả Trụ sở chính công ty tôi khi ấy có chừng 50 nữ, trước khi nhân viên năm 1 chúng tôi được thử sức, thì “Đội MC tầng thượng” vẻn vẹn có 4 người. Sau đó, từ lứa chúng tôi bổ sung thêm được 2 người nữa, trong đó có Hashimoto Reiko – bạn thân nhất và ở chung phòng ký túc xá với tôi. Khổ nỗi công việc chính của Rei là Thư ký Chủ tịch, nên đi công tác suốt, thành thử chỉ còn 5. Tôi là người cuối cùng trong khóa của mình được thử sức với công việc này.

Cái ngày mà tôi “vụt sáng” ấy, may mắn thế nào Chủ tịch lại có nhà. Ông chứng kiến cảnh thậm chí có Khách hàng bắt đầu rơi nước mắt khi tôi giới thiệu “Xin lỗi các quý vị vì đã chậm trễ chưa tự giới thiệu bản thân. Tôi là Lưu Phương Anh – tôi đến từ Việt Nam!”

Thời kỳ thành “sao”, có tên trong “Nhóm tháp tùng Chủ tịch đi công tác”

Nếu bạn đã từng ở Nhật và tiếp xúc thân với người Nhật chắc bạn đã thấy họ hay xúc động và dễ rơi nước mắt đến thế nào. Khách hàng hôm ấy của công ty tôi khóc vì không ngờ đứa con gái nói những lời chào mừng rõ ràng, rành mạch, diễn cảm; giao lưu với họ bằng cách nhắc đến một số địa danh nổi tiếng nơi họ đang sinh sống; hỏi han xem anh bạn đồng khóa Ishihara ở cửa hàng dưới ấy làm việc có chăm chỉ không, có chăm sóc Khách hàng tận tình không lại là một người nước ngoài.

Chủ tịch cũng chứng kiến cảnh những người phụ nữ (thậm chí là không ít đàn ông) rút khăn tay ra lau nước mắt, sụt sùi theo nhịp câu chuyện của bản thân mà tôi đang kể. Câu chuyện ấy có những khó khăn vất vả của xã hội Việt Nam, có những hy sinh cay đắng, buồn tủi của bố mẹ tôi trong quá trình nuôi dạy để mấy chị em được ăn học đàng hoàng; có những nỗ lực học hành và lao động tự nuôi thân để trụ lại Nhật Bản sau khi hết chương trình học bổng Chính phủ; có ước mơ xây lại căn nhà cấp 4 cũ kỹ và chật chội để bố mẹ được sống tốt hơn, để trở thành người con có hiếu (theo tinh thần đã được dạy bảo từ khi vào làm ở công ty), v.v.

Khi tôi kết thúc công việc MC của mình, có lẽ chừng 2/3 Khách hàng không cầm nổi cơn xúc động. Họ lên chụp ảnh với tôi, họ xin được bắt tay tôi, họ ôm lấy tôi dặn dò hãy cố gắng lên con nhé. Không chỉ Khách hàng, nhiều sempai của tôi cũng đã rơi nước mắt. Họ là những người đã theo sát, uốn nắn tôi từng chỗ lên, từng đoạn xuống, từng sắc thái tình cảm trong mỗi câu nói. Họ là những người đã chứng kiến tôi học thuộc lòng toàn bộ MC Script chứ không cầm giấy đọc như những MC từ trước tới nay (tôi sợ nhìn giấy đọc thì mình sẽ phân tâm). Họ là những người đã chứng kiến hai tuần liên tục tôi khổ luyện từng chút từng chút, thường là từ khi được về ký túc xá cho đến 2h sáng, đến mức mà phòng ốc còn chẳng kịp dọn dẹp, bữa nọ bị phạt hẳn 1 vạn yên với bêu tên trong cuộc họp đầu giờ vì trong ngày đi kiểm tra đột xuất ký túc xá, tôi có đống quần áo chưa kịp gấp cất vào tủ, vứt chình ình giữa phòng trước khi đi làm.

Thời kỳ thành “sao”, có tên trong “Nhóm tháp tùng Chủ tịch đi công tác”

Ngay lập tức, từ một ngày giữa tháng 1 năm 2003 ấy, tôi trở thành thành viên thứ 7 của “Đội MC tầng thượng”. Tôi được xếp ngồi cùng bàn với Chủ tịch trong những bữa ăn tối toàn công ty, tần suất tôi được gọi tham gia những “bữa tối quy mô nhỏ với Chủ tịch” dày đặc hẳn lên (Thú thực tôi chẳng thích tẹo nào, vì nó đồng nghĩa với việc công việc chính của mình bị ùn ứ, và sau đó phải tự mình nghĩ cách xoay xở đuổi kịp đồng nghiệp sao cho kịp với deadline chung của toàn phòng), tôi bắt đầu nằm trong danh sách “Nhóm tháp tùng Chủ tịch đi công tác”.

Đầu tháng 3, tôi được chọn vào nhóm Sempai hướng dẫn (tập hợp những nhân viên đang “hot” nhất, những nhân viên lâu năm với thành tích sừng sỏ nhất trên toàn quốc) trong khóa đào tạo “New Face Seminar” dành cho các em sinh viên đã nhận được Naitei (Thư thông báo trúng tuyển) ở Trung tâm đào tạo xây dựng cực kỳ hoành tráng tại quê nhà Miyazaki của Chủ tịch. Đây là một khóa đào tạo 3 ngày đầy khắc nghiệt, cả về thể chất và tinh thần. Khóa học này thực chất là một cuộc kiểm tra và thương lượng để loại bớt những em có lẽ không chịu nổi nhiệt trong cái lò mà mình sắp nhảy vào, đồng thời là một cơ hội để các em thấy mình không phù hợp có thể rút lui.

Chụp với đội hậu cần cho “New Face Seminar” và một vài nhân viên “hot” được lựa chọn từ Trụ sở chính

Đầu tháng 4, tôi được chọn làm MC trong lễ “Gia nhập công ty” của nhân viên mới. Tôi nhận thêm 2 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng mình phụ trách lên 7. Tôi được giao thêm 2 kohai để dạy dỗ (cả nghiệp vụ chính, lẫn nghiệp vụ phụ, những ứng xử, những “luật bất thành văn” trong công ty). Năm trước, tôi bị mắng vì mình chưa làm được tốt, từ nay tôi bị mắng vì kohai của mình chưa làm được tốt. Vẫn như năm ngoái, sáng nào ngủ dậy, tôi cũng chắp tay lẩm nhẩm “Cầu trời hôm nay đừng có ai mắng con!”

Từ tháng 4 đến mùa hè năm ấy, tôi vẫn hàng tháng nhận phụ cấp “Đội MC tầng thượng”. Ít nhất là nửa Quý Khách hàng vẫn rơi nước mắt mỗi khi tới lượt tôi làm MC. Sempai nào đi công tác đúng hôm tôi “trình diễn” thì khi về sẽ hỏi người ở nhà xem “hôm rồi bao nhiêu người khóc”. Trong lịch sử thành lập công ty, chưa có MC nào lại nhận được nhiều thư từ “fan hâm mộ” như tôi. Hầu như tháng nào tôi cũng có dăm lá thư cần được trả lời. Tôi vẫn được “sủng ái”, nghĩa là thỉnh thoảng lại xách vali đi với “Nhóm tháp tùng”, được xếp ngồi chung bàn với Chủ tịch, để nghe những lời dạy dỗ chỉ bảo.

Cho đến một ngày…

***

Chụp cùng Sen Masao – một danh ca dòng nhạc enka Nhật Bản. Thời được sủng ái, việc gặp, chuyện trò với giới showbiz đàn anh của Nhật Bản là như cơm bữa…

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai