Một Nhật Bản lạnh lùng (Phần 2)

1.

Tháng 3/2000, tôi tốt nghiệp trường Kế toán Murata và chính thức kết thúc chương trình “Sống trong nhung lụa MONBUSHO” (theo như lời anh Lương – sempai trên tôi 2 khóa). Tháng 4 cùng năm, nhờ qua được kỳ thi liên thông gồm xét hồ sơ, viết luận và phỏng vấn tầm tháng 10 trước đó, tôi trở thành sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Quản trị kinh doanh – Khoa Kinh tế – Đại học Surugadai.

Surugadai là đại học tư thục non trẻ, thành lập năm 1987. Cũng giống như ở trường cũ Murata, tôi là sinh viên người Việt Nam đầu tiên tại đây. Cuộc sống vừa học vừa làm kiếm sống nuôi thân đương nhiên là khó khăn, vất vả hơn thời nhận học bổng được bao bọc trong nhung lụa rất nhiều, nhưng chính nó là bước đệm để tôi có thể vượt qua những thử thách khó khăn tiếp theo của cuộc sống.

Cùng vào trường năm ấy với tôi có khoảng gần chục sinh viên nước ngoài khác. Chúng tôi học cùng nhau những tiết tiếng Nhật với cô giáo Akiyama nhỏ bé, đeo cặp kính gọng tròn hiền ơi là hiền.

Trong số ấy, tôi hay chơi với chị Aung – người Myanmar. Hai chị em sau này cùng nhận học bổng Rotary Yoneyama ở T.P. Kawagoe – Tỉnh Saitama, trông lại nhang nhác giống nhau nữa nên nhiều người tưởng chúng tôi là chị em ruột. Ngoài ra, giờ ăn trưa, tôi hay ngồi với anh Yo – người gốc Triều Tiên nhưng sinh ra lớn lên ở Cáp Nhĩ Tân – Trung Quốc, anh nói tiếng Nhật nhoay nhoáy; một em trai người Malaysia gốc hoa, họ Pham (Chắc là Phạm); một chị người Hàn Quốc họ Kim tóc ngắn cá tính; một em gái Bắc Kinh họ Lee có nụ cười tươi tắn.

Chúng tôi hay ngồi một góc cố định trong căng-tin, đứa nào đứa nấy giở cơm hộp mang theo ra ăn với nhau, rồi chém gió inh ỏi. Trong nhóm, tôi đặc biệt thán phục anh Yo và em Pham. Hai người này, ngoài việc đưa báo từ 3h sáng cho tới trước lúc đến trường, thì chiều tối tan học còn chạy bàn ở quán ăn hay đứng nắm sushi tới 11h đêm, ngày chỉ ngủ chừng 3 tiếng. Thế mà lúc nào họ cũng tươi vui, tích cực. Nhất là Yo, anh bắn tiếng Nhật toanh toách đủ mọi chủ đề suốt cả giờ nghỉ đến nỗi thỉnh thoảng chúng tôi phải bảo “Anh dừng nói mà ngủ đi một chút có hơn không”.

Ngoài ra, ở nhóm Seminar chuyên ngành Kế toán do Thầy Kobayashi hướng dẫn, tôi thỉnh thoảng có nói chuyện với T (người Nhật), vì chúng tôi cùng nhảy cóc vào năm 3 đại học bằng kỳ thi liên thông từ senmon gakko (trung học chuyên nghiệp).

Một hôm, khi đang ăn trưa thì có một anh nọ lại gần chúng tôi, và hỏi tôi có phải “Lưu san” không? Anh giới thiệu mình là Lee, học cùng chuyên ngành, trên tôi một khóa, và là sempai (đàn anh) trong Seminar của Thầy Kobayashi. Có lẽ thầy vừa giao cho anh nhiệm vụ để ý, giúp đỡ đứa kohai (đàn em) người nước ngoài nên giờ nghỉ trưa, anh lập tức xuống ngay căng-tin tìm tôi. Anh là kiểu người hiền lành và cực kỳ nghiêm túc.

Đó là tất cả những người bạn mà tôi có trong hai năm làm sinh viên cuối cùng của cuộc đời mình.

Sau học kỳ đầu tiên và đợt nghỉ hè, từ mùa thu, ngoài giờ ăn trưa, tôi rất hay tình cờ gặp một trong hai người đã kể tên ở trên những khi tôi ngồi một mình (trong nhà ăn, phòng đọc của thư viện, phòng máy tính) hay ở bãi chờ xe bus.

Nếu coi đây là một đoạn trong tiểu thuyết thể loại suy lý, vậy bạn hãy thử đoán xem hai người đó là ai nhé??? Uhm, tôi có nên tạm dừng câu chuyện này, để bạn thử tài thám tử của bản thân không nhỉ??? Hay là bạn hãy thử comment tên hai nhân vật “tình nghi” xuống dưới kia, rồi hãy lên đây đọc tiếp nhé!

2.

Chào mừng bạn đã quay trở lại với câu chuyện theo chủ đề “lạnh lùng”. Hmm, đó, tôi vừa cung cấp cho các bạn một tình tiết để phỏng đoán rồi. Bạn có cần tới gợi ý tiếp theo không?

Tôi nghĩ, có lẽ không cần đến thông tin tôi cung cấp, bạn cũng có thể đoán ra một người. Đúng đấy, đó là sempai Lee. Người còn lại thật ra còn dễ đoán hơn, nếu bạn bám sát chủ đề “lạnh lùng Nhật Bản”. Vâng, đó là T, cậu bạn cùng Seminar của thầy Kobayashi.

Điểm chung của hai người này là lặng lẽ. Họ cứ lặng lẽ ở đâu đó gần tôi như vậy (có thể là cách một hai chiếc ghế, có thể là ở ngay phía trước hay sau trong phòng máy tính hoặc thư viện), thỉnh thoảng họ quay qua tôi hỏi han chút xíu, hay có khi chỉ là mỉm cười rất khẽ khàng. Nếu gặp đâu đó trong phòng ăn hay bãi chờ xe bus, chúng tôi có thể sẽ nói chuyện nhiều hơn chút ít. Chỉ vậy thôi.

Thế rồi gần tới cuối năm, chẳng hiểu hai ông có phím nhau không mà ông trước ông sau (cách nhau chừng hai tuần) đều hỏi tôi rằng “An chan có bạn trai chưa?”

Lee hỏi tôi trước, hình như là bên cửa sổ căng-tin, khi tôi đang ủ ấm đôi tay của mình với một lon ca-cao nóng thơm lừng, và trời thì kéo mưa giăng nho nhỏ trên những ngọn núi xung quanh. Nghe xong câu trả lời, anh im lặng, như vẫn vậy, như trong những giờ ăn trưa chung với nhóm sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên sau đó, anh tiếp tục thỉnh thoảng xuất hiện ở đâu đó gần tôi, những khi tôi một mình, như trước.

Cuối năm học ấy, Lee tốt nghiệp. Anh về lại Phúc Kiến, làm việc cho công ty của gia đình. Chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa.

***

T hỏi, khi chúng tôi cùng di chuyển từ giảng đường môn học gì đó lên phòng Seminar. Trong thang máy, cậu bất chợt cất lời “An chan có bạn trai chưa?”

“Tớ có rồi!” Tôi trả lời.

“Chắc bạn trai cậu là người Nhật phải không? Cậu nói tiếng Nhật tốt thế kia mà!”

“Ồ không! Bạn trai tớ là người Việt!”

Đến đây thì cậu ấy im lặng.

Thang máy dừng ở tầng 4, T bước ra trước và nhấn nút giữ thang cho tôi. Khi tôi đã tiến gần tới cửa, cậu nhìn vào mắt tôi, nói khẽ “Tớ thích cậu đấy, An chan ạ!” Rồi cậu quay người đi trước, để tôi khựng lại một nhịp ở phía sau, vì không thể ngờ được rằng hóa ra mình vừa được tỏ tình.

Sau đó, T không bao giờ còn tình cờ xuất hiện khi tôi ngồi đâu đó một mình. Chúng tôi chỉ chạm mặt nhau trong những giảng đường chung hoặc ở Seminar. Cậu cũng không còn tích cực hỏi han, chuyện trò với tôi nữa. Trước mùa hè năm thứ 4, tôi nhận được Naitei (Thư thông báo trúng tuyển). T chậm hơn, ở vào những đợt tuyển dụng cuối cùng, nhưng chúng tôi đều tốt nghiệp vào cuối tháng 2/2002 và bắt đầu đi làm từ tháng 4 năm ấy. Cũng giống như với Lee, tôi không bao giờ gặp lại T nữa.

3.

Bạn đã thấy chưa? Những chàng trai Nhật Bản luôn lạnh lùng. Giống như là T của câu chuyện trên vậy đó. Có vẻ như trong trường hợp này, dù cái kết hoàn toàn giống nhau nhưng cách hành xử của sempai Trung Quốc sẽ gần gũi, ấm áp với người Việt Nam chúng ta hơn là cậu bạn Nhật Bản, phải không?

Thực ra tôi cũng hiểu tại sao các anh lại lạnh lùng như vậy. Là vì các anh làm gì biết cua gái! Qua tất cả những mối tình của người Nhật mà tôi chứng kiến từ trước đến nay (các vị đại tiền bối có lẽ không tính), thì tôi thấy các anh toàn bị gái cua không à! Tôi nghĩ rằng, kể cả các anh lấy vợ Nhật trong Friend List của tôi cũng vậy, chứ các anh tuổi gì mà đòi cua được gái Nhật, tôi thật! ?

Cuối cùng: Nếu bạn nào thấy rằng mình đã bị tôi troll với câu chuyện thứ hai này, hãy để lại cho tôi một cái mặt cười, bạn nhé! Và tôi xin hứa với bạn rằng, tiếp theo sẽ là một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc!

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai