Xin chào các bạn!
Mình tình cờ được một thành viên giới thiệu Group này, và bạn ấy nghĩ rằng series “Một Nhật Bản lạnh lùng” mà mình viết gần đây, trong đó có những chuyện hồi mình còn đi làm bên Nhật, có thể sẽ được Group mình đón nhận. Vì vậy mà mình xin phép được đưa dần. Một vài câu chuyện đầu là hồi mình còn đi học, có thể không liên quan lắm, nhưng do cùng series nên mình sẽ đưa lên luôn nhé!
Bài dài, mình cảm ơn trước các bạn sẽ theo dõi đến cùng ạ!
Một Nhật Bản lạnh lùng – Vài câu chuyện của tôi (Câu chuyện thứ nhất)
Tôi bất chợt nhận ra sự lạnh lùng của xã hội Nhật Bản (đặc biệt là Tokyo) vào một buổi chiều cuối tuần, cuối tháng 3 năm 1999.
Buổi sáng ấy tôi quay trở lại Nhật Bản sau chuyến về thăm nhà khoảng 2 tuần. Đây là lần về nước đầu tiên của tôi kể từ tháng 4/1997, và là chuyến trở về cần thiết, vì tới đây, em gái tôi sẽ đi đúng con đường của tôi là sang Nhật Bản du học. Cơ hội để cả gia đình 5 người đoàn tụ có lẽ phải lâu lâu nữa mới ghé thăm. Chúng tôi là cặp chị em (anh em) đầu tiên đến từ Việt Nam và cùng nhận học bổng MEXT (Hồi ấy gọi là học bổng MONBUSHO) của Chính phủ Nhật Bản.
Do vậy là hành lý của chuyến đi ấy, ngoài chiếc vali to của bản thân, tôi còn tha lôi thêm chiếc vali (thậm chí còn to hơn) của em gái, cộng một chiếc vali kéo (cỡ có thể mang lên máy bay), cùng một ba lô nặng tướng sau lưng. Hành lý đi sau của em gái tôi chắc hẳn cũng ngang ngửa vậy. Chúng tôi là con của một bà mẹ nghèo, lo đến cả cái giẻ lau để con mang theo kẻo tốn tiền mua, nên đôi khi phải cố gắng tha lôi như thế.
Và chiếc vé rẻ săn được khiến cho hành trình của tôi phải thêm hai chặng, trở thành Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Hong Kong – Osaka – Tokyo (Thời ấy còn chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam qua Nhật Bản). Đồng nghĩa với việc tôi sẽ lấy toàn bộ hành lý ra, di chuyển sang đường bay quốc tế (hay nội địa), rồi gửi lại hành lý ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hongkong và Osaka.
Nhưng thực ra, những thao tác này tại sân bay thì có xe đẩy hành lý hỗ trợ nên mọi thứ đều ổn thỏa cả. Tôi chỉ trở nên lúng túng sau khi đã ra khỏi khu vực sân bay và vào ga tàu ở Haneda. Giá mà như bây giờ, tôi sẽ gửi lại toàn bộ đống hành lý cồng kềnh ấy cho dịch vụ vận chuyển tận nhà của mấy hãng lớn, rồi ung dung lên tàu mà về nhà. Nhưng hồi ấy, đó là chi phí mà tôi không bao giờ dám chi, nên đương nhiên tôi sẽ dùng sức “trẻ trâu” của mình để tiết kiệm khoản này.
Từ sân bay Haneda về tới ký túc xá cần đổi tàu 3 lần, lần nào cũng phải tha lôi đống đồ đi sang tuyến khác khá xa, chứ không thể đổi ngay trên sân ga. Những nhà ga ở Tokyo cách đây 21 năm thì không có nhiều thang máy như bây giờ. Tuy vậy, khi đi trên đường bằng, tôi cũng không gặp phải vấn đề gì lắm, cứ gồng lên mà kéo 3 cái vali, và chầm chậm từng bước thì rồi cũng tới nơi. Nhưng ở những đoạn chỉ có cầu thang hay từ sân ga bước lên tàu thì bắt buộc tôi phải dừng lại, khệ nệ xách từng món hành lý, đặt xuống dưới chân thang (hay trong tàu), rồi lại leo lên (bước ra) khênh vác tiếp.
Hãy tưởng tượng cảnh một con bé 38kg loay hoay với 3 cái vali từ rất lớn, đến lớn và nhỏ, cộng thêm một cái ba lô to hơn cả lưng nó ở phía sau. Với phụ nữ, nhan sắc là một lợi thế, mà con bé ấy đương nhiên không phải xinh đẹp gì. Nhưng tôi nghĩ, nếu là ở Việt Nam, thể nào cũng có người động lòng thương mà chạy ra giúp nó một tay. Tuy nhiên, ở cái đô thị đông đúc và bận rộn này, thì không một ai để ý đến nó cả.
Tôi nghĩ, có thể cũng có người thấy cảnh tượng ấy, nhưng mà họ sợ phiền toái, thế nên họ chỉ đứng xa xa nhìn. Có lẽ họ cũng tự hỏi “Con bé kia sao mà tha lôi lắm đồ thế nhỉ?” Có lẽ, cũng có người thoáng nghĩ “Không biết nó có cần mình giúp không???” nhưng rồi tàu đến, và họ phải leo lên chuyến tàu của họ, họ đi! Vì họ đang sống trong một xã hội cực kỳ bận rộn…
Còn tôi đã trở về ký túc xá sau 2 giờ đồng hồ, với đôi cánh tay tưởng như sắp rời ra vì mỏi. Mà hình như không chỉ tay, cả cơ thể 38kg của tôi đều đã phải gồng lên hết mức để hoàn thành “điệp vụ vận chuyển” trong khi không dùng đến bất cứ sự trợ giúp nào. Có lẽ tôi đã tiết kiệm được gần 1 vạn yên, mà chỉ mất gấp đôi thời gian so với thông thường. Như vậy là thành công rồi, phải không?
Thế là vào một buổi chiều cuối tuần tháng 3 với hơi gió mùa xuân âm ấm ấy, bên cạnh những điểm ưu việt, tôi cũng đã cảm nhận được góc độ lạnh lùng của xã hội Nhật Bản hiện đại. Mà có thể đó cũng không gọi là “lạnh lùng”, đó là “rèn luyện để tự lập” chăng? Biết đâu, đó mới là thực tế của cuộc đời…
Nhưng cuộc đời thì vẫn luôn khiến tôi mỉm cười, và tôi biết rằng mình yêu “hắn” ghê gớm khi từ sân ga tàu điện ngầm leo lên mặt đất, rẽ phải để đi dọc con sông nhỏ quen thuộc xuôi về ký túc xá, tôi chợt thấy vô vàn bao nụ anh đào mập mạp hồng phơn phớt như đã sẵn sàng bung nở, trên những cành nâu khẳng khiu…
Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.
Để lại bình luận