Xin chào cả nhà khỏe không ^^
Mình vừa kết thúc ngày làm việc cuối cùng ở công ty cũ, từ nay đến ngày 1 tháng 4 là mình chính thức nghỉ cho hết 28 ngày phép có lương cả nhà ạ. Sẵn đang có thời gian rảnh, mình sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện chuyển việc của mình. Cũng là vì có vài em gái nhắn tin tâm sự liệu công việc ngành kế toán có thể chuyển hướng như thế nào. Hy vọng mọi người có thể tham khảo nhé.
Trước khi đi vào phỏng vấn chuyển việc, mình đã phân tích kinh nghiệm và con đường tương lai mình muốn làm. Nếu chọn con đường đó, điểm mạnh, điểm yếu là gì?
1. Phân tích kinh nghiệm
Về kinh nghiệm của mình thì mọi người có thể đọc qua bài viết của mình kể về công việc của 1 kế toán ở Nhật nhé.
Đây là một số kinh nghiệm khi mình làm công việc kế toán ở Nhật.
- Lập guideline ngân sách, bao gồm ngân sách của cả các công ty con và cả tập đoàn, để triển khai cho các phòng ban lập ngân sách. Sau đó tổng hợp thành báo cáo thể hiện lợi nhuận ngắn hạn, phân tích và yêu cầu các phòng ban sửa đổi nếu cần thiết.
- Hàng tháng quyết toán, nhận báo cáo rồi phân tích tình hình kinh doanh, sản xuất, hàng tồn kho, lợi nhuận…
- Làm chuyển giá, đưa ra đề án điều chỉnh khi cần.
- Tính toán giá bán, phân bổ chi phí, đảm bảo cân bằng lợi nhuận
Còn một kinh nghiệm mình không nhắc đến nhưng lại là yếu tố then chốt cho lần chuyển việc này của mình. Đó là mình có nửa năm tham gia dự án phát triển phần mềm kế toán sử dụng cho toàn tập đoàn. Ban đầu chỉ là test user (kiểm thử) nhưng sau đó mình đi chuyên sâu hơn về cách thức lập 集計単位 (đơn vị thống kê), 勘定科目 (các tài khoản kế toán), cách thức nhập dữ liệu…
2. Con đường tương lai
Điều kiện tiên quyết số 1 của mình là ở Tokyo. Vì lý do cá nhân nên mình chuyển lên đó sinh sống. Tiếp theo là 2 nguyện vọng sau.
- Nguyện vọng 1: Làm tư vấn tại các công ty tư vấn.
Trong đầu mình khi ấy chỉ nghĩ là làm tư vấn để phát triển hơn các mối quan hệ và kĩ năng còn thiếu, chứ chưa cụ thể sẽ tư vấn cái gì. Mình bắt đầu sắp xếp thứ tự ưu tiên: tư vấn chuyển giá > tư vấn thuế > tư vấn kế toán quản trị > tư vấn hệ thống kế toán…
- Nguyện vọng 2: Làm kế toán trong công ty sản xuất.
Nếu trượt nguyện vọng 1, mình sẽ chấp nhận đi theo con đường cũ là làm kế toán cho công ty sản xuất như bây giờ. Có nghĩa là không có gì thay đổi, hơi buồn chút!
3. Tìm hiểu trước khi chuyển trái ngành.
Để chinh phục nguyện vọng số 1, mình đã tìm hiểu xem một tư vấn viên cần có gì và làm thế nào để trở thành tư vấn viên. Sau khi tìm hiểu, mình nhận thấy có 2 điều một tư vấn viên cần nhất, đây cũng là câu trả lời khi đi phỏng vấn mình hỏi các công ty chọn ứng cử viên với tiêu chí nào?
- Suy nghĩ logic
Trình bày vấn đề có trước có sau, ngắn gọn, súc tích, không dài dòng tránh làm mất thời gian của khách hàng.
- Khả năng đưa ra nhiều phương án giải quyết vấn đề
Tư vấn chính là đưa ra giải pháp, khi mà khách hàng vẫn chưa tìm được đáp án cho vấn đề của họ. Nên đưa ra vài phương án khác nhau để họ có thể cân nhắc. Thú vị là các công ty đều nói rằng kiến thức kế toán, IT… có thể có được thông qua quá trình đào tạo, nên họ cũng không quá chú trọng đến các kiến thức đó.
4. Phân tích điểm mạnh
Thật sự lúc phân tích bản thân, mình không tìm ra được điểm mạnh của mình cho công việc tư vấn, ngoại trừ có 6 năm kinh nghiệm làm việc với nhiều chi nhánh ở các nước. Đúng vậy, mình có khả năng thích ứng tốt với các dự án nước ngoài.
5. Phân tích điểm yếu
- Kinh nghiệm có thể rộng nhưng không chuyên sâu
Kế toán một chút, tài chính một chút, hệ thống IT cũng một chút nhưng không cái nào mình giỏi hẳn cả.
- Ngôn ngữ
Tiếng Nhật và tiếng Anh business bị yếu bởi 6 năm nay mình chỉ làm việc với người trong tập đoàn, nên không câu nệ câu chữ lời nói. Đây lại là điểm quan trọng đối với một tư vấn viên.
- Nói dài dòng
Các bạn có thể nhận thấy qua những bài viết trên Facebook của mình đó ^^
Sau khi phân tích xong hết mọi thứ ở trên, mình bắt đầu công cuộc chuyển việc với nỗi lo lắng điểm yếu gấp 10 điểm mạnh. Mình đăng kí duy nhất một kênh Bizreach và sau 2 tháng kể từ ngày bắt đầu đăng ký tài khoản, mình đã chốt công ty. Đó là một công ty tư vấn với vị trí phụ trách tư vấn hệ thống kế toán tương ứng với kinh nghiệm mình nêu ở trên mục 1.
Trong số các công ty phỏng vấn cho nguyện vọng 1 tư vấn viên qua headhunter giới thiệu là KPMG, Abeam, Hitachi consulting, đã có một công ty chủ động liên hệ với mình.
Với nguyện vọng 2 kế toán viên, toàn bộ đều là các công ty chủ động liên hệ mình không qua headhunter. Có thể kể đến Beer Kirin, Mì Nisshin, Metabo và 2 công ty nữa nhưng mình không ấn tượng lắm.
Trên đây là sơ lược về giai đoạn đầu trong công cuộc chuyển việc của mình. Bài tiếp mình sẽ giới thiệu qua về 2 tháng của mình bắt đầu từ viết CV, chuẩn bị phỏng vấn và phỏng vấn nhé.
Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.
Để lại bình luận