Review phỏng vấn Google mùa Covid (2021) - Phần 1

Giới thiệu về bản thân

Hello mọi người,

Mình là Minh, 32 tuổi, đã làm Software Engineer khoảng 10 năm. Công ty trước là một startup về FinTech mà kể tên chắc chẳng ai biết, và trước nữa là Mercari, 1 công ty có môi trường và đãi ngộ tốt, mà có thể bạn đã nghe qua nếu bạn làm Tech ở Tokyo.

Lần này mình sẽ chia sẻ về một chủ đề mà lẽ nhiều bạn làm Tech quan tâm: phỏng vấn Google, hay nói rộng hơn là phỏng vấn GAFA/ GAFAM/ FAANG.

Định nghĩa GAFA

GAFA là cái gì? Đây là viết tắt của Google Apple Facebook Amazon

GAFAM có thêm Microsoft. FAANG cũng tương tự với N là Netflix, tựu chung lại là những công ty công nghệ lớn của Mỹ. Những công ty này trả lương cho kỹ sư tương đối hậu hĩnh, thường sẽ cao hơn mức lương cơ bản tại Nhật. Và các kỹ sư thường rất thích vào những chỗ đấy vì 1) danh tiếng và 2) mức lương nói trên. Thẳng thắn mà nói thì ai cũng quan tâm đến lương đúng không nào. Lương của GAFA ra sao thì các bạn có thể lên team blind (https://www.teamblind.com/) để xem.

Ảnh 1 – Blind

Mình cũng không phải là ngoại lệ, tuy nhiên mình biết thừa là với 1 tháng ngồi chơi và một cái profile LeetCode trống không, cũng không từng tham gia thi thố huy chương nọ kia thì cơ hội là không có.

Tuy nhiên mình cũng đã thử sức một lần, đương nhiên là đã tạch, nhưng qua đó cũng rút ra nhiều điều mà có lẽ sẽ có ích cho bạn đọc.

Resume và quy trình phỏng vấn

Mình không rõ Resume cho GAFA có phải đặc biệt gì không, nhưng mình chỉ có một cái Resume có sẵn và vẫn dùng cho cho mọi công ty. Resume của mình viết bằng tiếng Anh, gói gọn trong 1 trang duy nhất và viết ngắn gọn, súc tích hết mức có thể.

Mình đã hỏi trước người quen trong Google và được biết nộp Resume trực tiếp hầu như sẽ bị … lơ. Google nhận được rất nhiều Resume lại mọi thời điểm, vì vậy để chắc chắn qua vòng loại bạn cần (1) Có bạn là kỹ sư ở bên trong Google refer cho (2) Có quen biết với Recruiter của Google.

Lần này mình không chuẩn bị kỹ và chỉ định thử nên không dùng cách (1) (khá ngại cho người refer mình, bạn biết đấy). Vậy là đã chọn cách (2), vì hồi ở Mercari có một 1 lần Recruiter của Google nhắn tin trên LinkedIn, nên mình ping ngược lại.

Kết quả là… sau khoảng 1 tuần đã có một Recruiter khác của Google liên lạc lại. Tadaa

Ảnh 2 – Sherry’s first email

bạn Recruiter lần này khác với bạn mình đã ping, nên không hiểu cách (2) thật sự có tác dụng, hay là do profile/resume của mình tốt quá nên thành ngoại lệ (tự ảo tưởng để lấy tinh thần)

Vậy là qua được bãi gửi xe rồi nhé. Giờ xách mông lên đi làm khoảng 10 bài LeetCode.

Recruiter Screening và chuẩn bị

Sherry nói chuyện rất nhẹ nhàng, giọng rất hay.

Bạn ấy giới thiệu sơ qua về trình tự phỏng vấn, về cơ bản gồm 3 giai đoạn: Phone Interview (1 vòng phỏng vấn qua Hangout), Onsite Interview (đến công ty làm 5 vòng liên tiếp, trước là đến office của Google kết hợp ăn trưa uống trà, tuy vậy giờ Covid nên tất cả là online hết) và cuối cùng là quy trình thẩm định rồi Offer. Sherry hỏi mình có muốn …. bỏ qua vòng 1 hay không?

Cái quái gì vậy nhỉ? Bỏ qua vòng 1? Như thế chẳng phải lời hơn 1 vòng sao?

Phỏng vấn Google vốn rất stress nên bỏ qua 1 vòng là 1 món hời lớn, tuy vậy mình vẫn hỏi lại là bỏ qua hay không thì khác gì nhau.

Và câu trả lời là: vòng 1 chủ yếu để ứng viên … khởi động và làm nóng trước khi bước vào loạt onsite đầy cam go. Nếu mình không qua được vòng 1 thì chắc chắn không thể qua được onsite. Sherry muốn tiết kiệm thời gian cho mình nếu mình tự tin.

Tất nhiên là mình chọn … xin làm. Rõ ràng mà, mình đâu có tự tin. Tạch sớm tiết kiệm thời gian cho đôi bên. Mà làm bộ nghĩ tui luyện kinh lắm rồi hay sao.

Chuẩn bị

Sau khi sắp xếp qua lại 1 hồi, có lịch 1 tuần sau lên thớt. Sherry ném cho 1 đống tài liệu chuẩn bị vào mặt mà mình vốn đã kinh hãi lại thêm phần hoảng sợ. Đây nó đây:

Ảnh 3

Cái link thứ 5 bên trên là cái Coding Interview University 167k sao trên Github nhé. Nếu bạn chưa biết thì link đây: https://github.com/…/coding…/blob/main/README.md

Riêng cái này thôi học chắc mất 6 tháng.

Ảnh 4

Topcoder, Leetcode, HackerRank…. cuối bảng lại còn có cả ACM-ICPC. Đây là tất cả những thứ có thể liệt kê ra. Thôi kệ ra cứ quay về Leetcode luyện chạy tí cho quen tay vậy. Chắc là giống nhau cả ấy mà, có khi bạn ấy gửi cho …vui.

1 điều nữa là phỏng vấn Google là trên Google Docs, có nghĩa là bạn sẽ không có sự trợ giúp từ IDE hay các bộ toolchain thường ngày. Ok fine. Mình lên Google Docs luyện tập, tắt mấy tính năng rườm rà như tự động sửa chính tả, chỉnh lại font code (mình dùng Consolas) và tăng cỡ chữ lên. Mình đồng thời ghi nhớ những điều chỉnh này để đến khi phỏng vấn có thể chỉnh luôn từ đầu đỡ mất thời gian. Bình thường code có hiển thị màu sắc, giờ sang chế độ đen trắng cảm giác phê phê là.

Mình luyện khoảng 20 bài LeetCode nữa, nâng tổng số lên khoảng 30 bài, trong đó hơn nửa là Medium, còn lại là Easy.

Ngày lên thớt cuối cùng cũng đến. Mình tắm rửa sạch sẽ cho tỉnh táo, nốc nguyên 1 cốc cà phê.

Phone Interview

Hoá ra mọi lo lắng về Google Docs là thừa.

Google Docs dành cho phỏng vấn… không giống Google Docs. Đó là một bản có hiển thị màu sắc cho từng ngôn ngữ, và ấn xuống dòng có lùi dòng! Nói chung giống như bạn code Sublime Text vậy. Chỉ đơn giản là không có autocompletion. Bạn thậm chí có thể chọn ngôn ngữ mong muốn.

Phỏng vấn mình là 1 anh kỹ sư người Mỹ gốc Á. Ảnh nói tiếng Anh cũng không khó nghe lắm. Hình thức là gọi qua Hangout, chào hỏi, ra đề, làm bài. Về cơ bản thì mình có khoảng 40 phút cho tất cả mọi thứ. Độ khó cỡ Medium của LeetCode.

Kết quả

Mình bắt đầu khá tốt khi đọc hiểu và xác nhận lại đề, thảo luận phương án khả thi và bắt tay vào viết code. Với trình độ khoảng 20 bài Medium thì có lẽ là khả quan hơn mong đợi. Mình cũng code ra đến cuối nhưng không đủ thời gian sửa những lỗi lặt vặt, dẫn đến anh phỏng vấn phải thêm vài phút để hỏi về độ phức tạp (Big-O notation/ Time and Space Complexity). Nếu mấy thuật ngữ này hơi mới thì các bạn có thể tìm hiểu thêm nhé.

Mọi thứ diễn ra vượt quá 150% mong đợi, và có kết quả pass ngay 20 phút sau đó. Có vẻ như anh kỹ sư phỏng vấn đã đánh giá ngay và Sherry đã mail lại ngay lập tức!

Bạn biết mình có cảm giác gì không? Phê, rất tê, cảm giác như mới vào môn phái mà sắp làm minh chủ đến nơi. Có khi Google đang soạn sẵn offer chỉ đợi mình đến đóng dấu rồi ấy. Tới đi anh cân hết.

Cuộc sống chẳng giống cuộc đời, tiếp theo mới là đoạn ăn hành sấp mặt.

Kì tới: 70+ bài Medium, 5 vòng onsite, drama, feedback…

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai