Rèn luyện năng lực ngôn ngữ (P1)

Ngôn ngữ rất quan trọng trong đời sống của chúng ta. Có được khả năng ngôn ngữ tốt không chỉ giúp chúng ta giao tiếp, truyền đạt nội dung tốt, mà đó còn là công cụ để hiểu chính mình.

Có bao giờ bạn cảm thấy mình ăn nói kém, muốn truyền đạt cho đối phương hiểu nhưng lại không biết phải nói thế nào, bắt đầu từ đâu? Khi phải viết thì ngồi mãi vẫn không viết được chữ đầu tiên hoặc không có chữ nào hiện ra trong đầu? Sau các cuộc chuyện trò có từng hối hận vì lỡ nói thiếu ý này thừa ý nọ chưa?

Sau đây là một số điều thú vị mình đã nhận ra sau khi tham gia khoá training về năng lực giao tiếp của công ty.

1. Theo bạn, người như thế nào sẽ gặp khó khăn khi truyền đạt?

Đó là người theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Bởi vì người theo chủ nghĩa này luôn muốn có thể truyền đạt đúng 100% toàn bộ những suy nghĩ trong đầu đến người nghe. Điều này khiến họ hoặc không biết bắt đầu từ đâu, không hài lòng với nội dung mình đưa ra, hoặc vô tình nhồi nhét quá nhiều thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Kết cục là họ không nói được gì hoặc có thể truyền đạt nhưng lại không rõ ràng và dễ hiểu.

Nếu bạn cũng gặp vấn đề tương tự, hãy TỪ BỎ mong muốn truyền đạt chính xác 100% suy nghĩ trong đầu. Thay vào đó là truyền đạt từng ý một. Chẳng hạn như bạn muốn nói 10 ý thì hãy cứ bắt đầu bằng 1 ý trước. Việc truyền đạt trọn vẹn hết 1 ý vẫn tốt hơn là hối hận vì vẫn chưa nói được 9 ý còn lại phải không nào?

Rèn luyện năng lực ngôn ngữ (P1)
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo là người sẽ gặp khó khăn khi truyền đạt


2. Năng lực giao tiếp yếu đến từ đâu? 3 chữ T

Bạn thử nghĩ xem bản thân có trùng với phần nào dưới đây không nhé?

  • Thiếu vốn từ vựng: Bạn có ý kiến nhưng không biết cách truyền đạt như thế nào cho đối phương hiểu. Để cải thiện, bạn hãy sưu tầm cho mình một vốn từ ngữ trong quá trình tiếp nhận thông tin (input) như nghe, đọc… Quan trọng hơn là bạn phải thường xuyên đem lượng từ ngữ tích góp được này ra vận dụng, chuyển hóa từ input thành output.
  • Thiếu tính quyết đoán: Bạn không thể quyết định được mình đồng ý hay phản đối, là A hay B, có nên nói hay không. Hãy luyện tập bằng cách hãy đưa ra sự lựa chọn trước (đừng quan trọng đúng hay sai) rồi tìm lý do giải thích cho lựa chọn đó.
  • Thiếu sự chuẩn bị: Khi bạn bất ngờ bị hỏi thì bạn không đưa ra được câu trả lời. Về phần này, mình cho rằng thiếu sự chuẩn bị là vì thiếu kiến thức nền. Để cải thiện, bạn nên tập thói quen suy nghĩ trong đời sống hàng ngày và luôn có sẵn trong đầu những câu trả lời cho mình. Và cách tăng kiến thức nền, khả năng tư duy tốt nhất chính là đọc sách. Không chỉ tiếp thu một chiều mà hãy tập đưa ra ý kiến của mình. Khi đọc một bài nào đó hãy đưa ra ý kiến của bản thân trước khi đọc các bình luận khác của mọi người.

Năng lực giao tiếp yếu đến từ 3T

– Thiếu vốn từ vựng

– Thiếu tính quyết đoán

– Thiếu sự chuẩn bị

3. Các kỹ thuật luyện tập để có khả năng ngôn ngữ tốt hơn.

Trước hết mình sẽ đưa ra một bài luyện tập như sau, bạn đọc và làm thử nhé.

Bước 1: Vẽ tranh theo giải thích bên dưới.

Lấy bút và vẽ một hình tròn, vẽ hai dấu chấm trong hình tròn, vẽ một hình tam giác dưới hai chấm tròn ấy. Vẽ một chữ U dưới hình tam giác. Vẽ một hình tam giác bên dưới hình tròn ban đầu, kích thước bằng hình tròn. Bên trong hình tam giác, vẽ hai chấm tròn theo đường thẳng đứng. Vẽ bốn đường thẳng từ hình tam giác.

Các bạn vẽ được bức tranh như thế nào rồi?

Đây là tranh của mình.

Bước 2: Bây giờ hãy nhìn vào bức tranh mình đã vẽ theo giải thích trên. Nếu phải mô tả lại cho người khác hiểu về bức tranh này, bạn sẽ diễn tả như thế nào? Cách dùng giấy note theo kỹ thuật Drone

Kỹ thuật Drone

Drone là một loại thiết bị bay không người lái có lắp camera hay máy ảnh để quay phim, chụp ảnh từ trên cao (ở Việt Nam hay gọi là flycam). Khi miêu tả tranh cho người khác, hãy tưởng tượng bạn là một chiếc drone đang bay trên trời và nhìn xuống từ phía xa. Khi đó bạn sẽ nhìn được bức tranh toàn cảnh bên dưới. Drone tiếp tục bay dần xuống thấp, xác định được đối tượng rồi bay đến gần hơn để nhận diện các bộ phận của đối tượng. Sau đó, drone phóng đến thật gần để soi vào chi tiết. Và cuối cùng là quay trở lại bầu trời để nhìn bao quát toàn cảnh.

Mình áp dụng kĩ thuật Drone và sắp xếp suy nghĩ bằng giấy note như sau:

  1. Viết tất cả những từ ngữ nảy ra trong đầu vào các tờ giấy note.
  2. Xếp thành khung.
  3. Sắp xếp lại thứ tự.
  4. Lùi ra xa một chút để nhìn lại toàn cảnh (có thể loại bỏ ý không cần thiết).
Sau đây là cách mình giải thích bức tranh.

Chủ đề vẽ bức tranh người tuyết. (nêu chủ đề)

Bây giờ chúng ta hãy lấy giấy bút để vẽ một bức tranh người tuyết. Người tuyết gồm có phần đầu, phần thân và tay chân. (đưa ra bức tranh toàn cảnh)

Phần đầu các bạn vẽ một hình tròn lớn. Bên trong vẽ hai chấm tròn làm mắt, hình tam giác ở dưới làm mũi, và vẽ miệng hình chữ U dưới hình tam giác. (đi vào chi tiết #1)

Phần thân vẽ hình tam giác cân có kích cỡ bằng hình tròn ở phía trên, góc nhọn tiếp xúc với hình tròn. Bên trong vẽ hai chấm tròn làm cúc áo. (đi vào chi tiết #2)

Từ hình tam giác vẽ hai đường thẳng làm tay, hai đường thẳng làm chân. (đi vào chi tiết #3)

Vậy là chúng ta đã vừa hoàn thành xong bức tranh người tuyết. (tổng kết)

Hãy truyền đạt ngôn ngữ theo cách tiếp cận từ xa đến gần giống như hành trình của chiếc drone nhé.

Rèn luyện năng lực ngôn ngữ (P1)



4. Tổng kết

Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài. Trong bài này mình đã chia sẻ 3 ý như sau:

  • HOÀN THÀNH HƠN HOÀN HẢO, bạn cứ truyền đạt được ý nào hay ý đó.
  • 3 chữ T để khắc phục năng lực giao tiếp yếu
  • Kỹ thuật Drone trong việc truyền tải ý chính

Trong phần 2 mình sẽ chia sẻ về quá trình ngôn ngữ hoá và thêm 1 bài luyện tập để các bạn vượt qua khó khăn khi diễn đạt ý bằng lời nói nhé.

Phần 2: Rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ (P2)

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai