“Làm thế nào để dung hoà mối quan hệ với đồng nghiệp?” là câu hỏi được nhiều bạn gửi về nhất cho buổi 研修 (đào tạo) dành cho các bạn sắp/mới đi làm mà bên mình tổ chức. Câu hỏi này làm mình nhớ tới một kỷ niệm nhỏ về “mối quan hệ với đồng nghiệp” hồi mình còn làm ở công ty cũ. Giờ đem kể lại với mọi người chút ^^.
Từ một task khá đơn giản..
Hồi còn làm việc ở công ty cũ, mình được giao phụ trách tờ báo nội bộ công ty. Báo nội bộ này được xuất bản dạng poster khổ lớn A0, định kỳ 3 tháng 1 lần. Số đầu vì chưa định hình được hình thức, nội dung nên bạn assistant manager cũng tham gia cùng mình. Mọi chuyện rất thuận lợi. Số đầu ra mắt visual ổn, nội dung cũng sáng tạo, vui vui, mọi người trong công ty phản hồi rất tốt. Thấy mọi thứ có vẻ ổn rồi, công việc tuyển dụng nhân viên mới lại vào mùa bận rộn, bạn assistant manager phải đi công tác nên mới bảo mình làm cùng một bạn gái khác bên team văn phòng. (Mình làm trong team nhân sự.)
Vấn đề phát sinh từ đây.
Vẫn quen theo cách đã làm từ trước, số thứ 2 mình cũng phân chia công việc với bạn gái kia y như thế. Tức là thống nhất ý tưởng chủ đề, lựa chọn nhân vật xong thì chia ra mỗi đứa phỏng vấn một nửa, rồi viết bài, lên layout… Hiềm nỗi bạn gái kia cứ suốt ngày kêu bận, danh sách phỏng vấn mình đã làm xong hết mà bạn ấy vẫn chưa làm gì. Mình bảo làm cái gì bạn ấy cũng thoái thác trong khi ngày sếp duyệt bản thảo càng ngày càng gần.
Vẫn quen theo cách đã làm từ trước, số thứ 2 mình cũng phân chia công việc với bạn gái kia, sau khi thống nhất ý tưởng thì chia ra mỗi đứa phỏng vấn một nửa… Nhưng bạn gái kia cứ suốt ngày kêu bận, danh sách phỏng vấn mình đã làm xong hết mà bạn ấy vẫn chưa làm gì….
Một lần, bạn assistant manager đi công tác về, chắc thấy gần đến ngày phát hành nên hỏi mình tiến độ đến đâu rồi. Mình được lời như cởi tấm lòng mà tuôn ra dào dạt một tràng than vãn về bạn nữ kia. Nào là bạn ấy chả hợp tác gì cả, bạn ấy thế nọ thế kia… nói chung vô cùng bức xúc.
Bạn assistant manager nghe xong, sau một hồi gật gù đồng cảm với mình thì bắt đầu cười cười rồi bảo: “Mai này, bạn bè ấy mà, không thích không hợp thì có thể không chơi với nhau. Chứ đồng nghiệp thì không phải lúc nào cũng chọn được là muốn làm việc cùng hay không. Trừ khi là Mai bỏ việc. Còn khi làm việc trong một tổ chức thì phải chấp nhận có lúc mình phải làm việc với những đồng nghiệp mà mình không hợp, không thích. Vì đó là sự phân công của công ty. Làm thế nào để phối hợp được tốt nhất trong khả năng của mình với một đồng nghiệp mà mình không hợp cũng là một phần của công việc, và cũng là một kỹ năng cần phải học khi đã là một người đi làm”.
Sau đấy, bạn ấy gợi ý cho mình cách làm khác. Thay vì chia nhau theo kiểu có 10 nhân vật mỗi đứa phỏng vấn 5, thì giờ mình quen việc phỏng vấn rồi mình chịu trách nhiệm phỏng vấn hết. Còn bạn nữ kia thạo Photoshop thì để bạn ấy layout, thiết kế rồi kiểm tra lại bản thảo tiếng Nhật của mình. Vì dù gì mình cũng là người nước ngoài viết tiếng Nhật mà. Mỗi người nhịn nhau một tí, công nhận nhau một tí thử xem.
Bạn bè ấy mà, không thích không hợp thì có thể không chơi với nhau. Chứ đồng nghiệp thì không phải lúc nào cũng chọn được là muốn làm việc cùng hay không… Còn khi làm việc trong một tổ chức thì phải chấp nhận có lúc mình phải làm việc với những đồng nghiệp mà mình không hợp, không thích.
Đúng là dù sau đấy mình vẫn không thấy hợp với bạn kia thêm tí nào nhưng mình cũng vượt qua được kỳ khủng hoảng ấy, thành công ra mắt tiếp số báo thứ 2. Bạn assistant manager sau đấy hình như đã tâm sự nỗi lòng của mình với trưởng phòng nên từ số sau mình được phân làm cùng với một chị khác rất là đáng yêu, nhiệt tình. Làm cùng chị này vui ơi là vui và nhanh hơn bao nhiêu.
Tóm lại, đi làm mà gặp được đồng nghiệp hợp gu thì không còn gì bằng. Nhưng nếu có duyên gặp đồng nghiệp không-hợp-gu thì âu cũng là một cơ hội để chúng ta học được nhiều kỹ năng khác. Chẳng hạn như “dĩ hoà vi quý” (tức chết đi được nhưng vẫn có thể nhịn vì mục tiêu chung) và “tìm ra được điểm mạnh của đối phương” (để còn biết mà chia việc hợp lý chứ không lại mắc công tức nhau). Mọi người có công nhận không nào.
Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.
Để lại bình luận