Rèn luyện khả năng ngôn ngữ

Phần 1: Rèn luyện năng lực ngôn ngữ (P1)

Trước khi bắt đầu, bạn hãy nghĩ về câu hỏi sau:

Gần đây bạn có gặp phải tình huống khó khăn nào khi diễn đạt bằng lời không?

Mục đích của câu hỏi này là khi đọc đến cuối bài bạn có thể phân tích xem lý do mình gặp khó khăn là gì. Hãy nghĩ về câu hỏi này trong suốt quá trình đọc bài nhé.

Còn giờ thì quay trở lại bài nào.

Theo bạn, bản chất của ngôn ngữ là gì?

Chúng ta chắc ai cũng biết ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp và truyền đạt suy nghĩ, kiến thức, nội dung… Mình muốn giới thiệu một khái niệm: Ngôn ngữ hóa (mình xin tạm giữ nguyên theo từ gốc tiếng Nhật vì không biết phải dùng từ tiếng Việt nào để diễn đạt đúng ý nghĩa nhất).

Ngôn ngữ hóa là quá trình chuyển hóa những suy nghĩ trong đầu thành những lời nói, chữ viết mà người khác có thể dễ dàng hiểu được, sau đó truyền tải đến đối phương.

Quá trình ngôn ngữ hóa gồm 5 bước như sau:

  1. Quan sát sự vật, sự việc
  2. Sắp xếp suy nghĩ
  3. Tóm tắt có mục đích
  4. Hiểu đối phương
  5. Truyền đạt

1. Quan sát sự vật, sự việc

Thông thường khi thưởng thức một món ăn ngon, để khen là ngon có phải bạn chỉ nói rằng “Món này ngon quá” hoặc “Giòn/ngọt nhỉ”?

Sau đây là đoạn miêu tả của một người nước ngoài nói về món tóp mỡ (tép mỡ) của Việt Nam mà mình rất ấn tượng.

Tóp mỡ là những viên gồm da, mỡ và thịt heo. Bộ ba “thần thánh” này được chiên đến khi có màu nâu vàng, sau đó được phủ một lớp nước mắm kho kẹo, thêm chút ớt và tỏi phi. Cho một cục tóp mỡ nóng hổi vào miệng, cắn một cái, âm thanh giòn rụm và lớp mỡ tóe ra trên đầu lưỡi mang lại một thứ xúc cảm diệu kỳ”

-Jordy Trachtenberg, người Mỹ sống tại Tp. HCM- Link

Bạn thấy giữa cách tả của mình và của anh bạn này có gì khác nhau không?

Có thể bạn nghĩ rằng việc chỉ nói được vài từ như ngon, giòn… là do thiếu vốn từ, nhưng thực chất suy nghĩ sâu hơn thì là do thiếu sự quan sát. Do không có thói quen quan sát và suy nghĩ mỗi ngày nên bạn miêu tả mọi món chỉ với một từ ngon; trong khi vị của một miếng bánh kem này với vị ngon của miếng bánh kem khác có khi cũng khác nhau rồi. Vì vậy, để rèn luyện được khả năng ngôn ngữ thì việc đầu tiên cần làm là phải luyện tập khả năng quan sát.

2. Sắp xếp suy nghĩ

Đây là quá trình sắp xếp các suy nghĩ trong đầu sao cho thật dễ hiểu. Nếu suy nghĩ của bạn bị phân tán, lộn xộn thì quá trình này sẽ rất khó khăn. Phương pháp hiệu quả ở đây là rèn luyện tư duy logic. Tư duy logic là cách “đưa những thứ phức tạp trở thành thứ đơn giản”.

3. Tóm tắt có mục đích

Để hiểu hơn về phần này, mình muốn mọi người bắt đầu với một bài luyện tập. Xin lỗi bạn đọc vì phải luyện tập hơi nhiều trong các bài viết của mình, nhưng các bạn cũng biết rồi đấy học thì phải có hành phải không nào ^^.

Luyện tập: Hãy kể chuyện Thánh Gióng trong một câu.

……………………..

Dừng lại 30 giây để suy nghĩ…

………………………

Giờ hãy thử kể lại câu chuyện lần nữa theo 3 câu hỏi sau

  1. Tóm tắt lại nội dung chuyện Thánh Gióng trong một câu.
  2. Giới thiệu về chuyện Thánh Gióng trong một câu sao cho người đọc thấy hứng thú và muốn đọc thử.
  3. Nói cảm nhận của bạn về chuyện Thánh Gióng trong 1 câu.

Bạn có nhận thấy tùy vào từng MỤC ĐÍCH mà cách nói của bạn sẽ thay đổi không? Như vậy, để tóm lược được nội dung muốn truyền tải bạn phải hiểu được mục đích của của bạn là gì.

4. Hiểu đối phương

Phần này khá dễ hiểu vì thông thường ta sẽ lựa chọn các cách diễn đạt khác nhau tùy vào nền tảng của từng đối phương.

Hiểu được đối phương giúp chúng ta tìm được cách nói phù hợp, dễ hiểu với họ, giúp họ dễ hình dung hơn. Ví dụ như nếu bạn muốn mô tả quả táo, nếu nói với một người lớn tuổi rằng đó là biểu tượng logo của iPhone thì mình không chắc họ sẽ đoán ra. Để hiểu nền tảng của đối phương thì cần rèn khả năng quan sát, biết lắng nghe và đặt câu hỏi. Bởi lẽ chúng ta sẽ không thể hiểu được người khác nếu chỉ mải mê nói về bản thân mình.

5. Truyền đạt

Bước cuối cùng là truyền đạt đến đối phương. Bước này yêu cầu bạn phải từ bỏ sự cầu toàn cũng như mong muốn được nói ra ngay lập tức tất cả những thứ trong đầu.

Quay lại câu hỏi mình đã đưa ra ở đầu bài.

Gần đây bạn có gặp phải tình huống khó khăn nào khi diễn đạt bằng lời không?

Bạn thử nghĩ xem khó khăn của mình nằm ở bước nào trong 5 bước trên nhé.

Khó ở đâu gỡ ngay ở đó!


Bài luyện tập bonus: Đoán vật được mô tả

Nhìn vào ảnh này bạn thấy cái gì?

Rèn luyện năng lực ngôn ngữ (P2)
Beautiful red apple on a white background. For package design

Là một thứ có thể ăn được, hình tròn khoảng bằng nắm tay, bên trong có hạt màu đen.

Có thể ăn luôn hoặc ép lấy nước uống.

Là quả táo đúng không?

Bạn hãy nhìn vào ảnh trên và miêu tả cho người khác những gì bạn thấy trong ảnh, để họ đoán xem bạn đang miêu tả thứ gì. Nguyên tắc là khi nói không được nhắc đến các từ như Táo, Apple, りんご

Nếu bạn tập mô tả ảnh với những người khác, bạn sẽ thấy có rất nhiều cách khác nhau để diễn đạt về cùng một sự vật, sự việc.


Tổng kết

Mình xin tổng kết lại bài dưới dạng Q&A nhé 😉

Q: Không biết phải nói hay viết gì đầu tiên?

A: Hãy rèn tính QUYẾT ĐOÁN, tập đưa ra quyết định và tìm lý do để trả lời.

Q: Không hiện chữ trong đầu?

A: Hãy 1) tăng kiến thức nền (đọc sách…), 2) tập quan sát, 3) tạo thói quen tự đặt câu hỏi – tự trả lời, 4) tìm hiểu khái niệm Tư duy logic (Logical thinking), 5) Đưa các từ ngữ bạn vẫn quen dùng hàng ngày như ngon, giỏi, đẹp… vào danh sách cấm, luôn ý thức tìm ra cách nói khác để đa dạng hơn vốn từ của mình.

Q: Không biết cách tóm lược?

A: Hãy hiểu mục đích của việc truyền đạt và luyện tóm lược trong một câu.

Q: Khó khăn trong việc truyền đạt đến đối phương?

A: Hãy sống với phương châm HOÀN THÀNH HƠN HOÀN HẢO. Từ bỏ CẦU TOÀN.

Rèn luyện năng lực ngôn ngữ (P2)



Nguồn tham khảo

  • Tìm hiểu thêm về khả năng quan sát: sách Óc quan sát của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai