Đây là phần cuối trong series chia sẻ gồm 3 phần của tác giả Phương Kỳ về những câu chuyện khác biệt văn hóa khi làm việc trong ngành khách sạn tại Nhật.
Phần 1: Chữ “Lễ” trong văn hóa Nhật Bản
Phần 2: Được khen hay “Bị khen”?
Thái độ với người nước ngoài: những chuyện vui
Nhiều người Nhật cũng rất thích Việt Nam, đã trải nghiệm đi du lịch Việt Nam còn nhiều hơn cả mình. Không có dịch Covid thì một năm đi Việt Nam chơi tận 3-4 lần, đi từ Hà Nội, Hạ Long đến Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… làm mình nghe mà ghen tỵ, mà nhớ quê ghê gớm.
Có người còn kể con họ đi công tác ở Việt Nam mà Việt Nam phòng dịch gắt quá, lâu lâu bị phong tỏa nguyên một khu vực. Nhưng cũng nhờ vậy mà số ca nhiễm được khống chế tốt hơn, khổ là con mãi mà chưa về nước được.
Có người không khen chê gì, nghe giải thích xong liền nói “Cảm ơn” bằng tiếng Việt làm mình bất ngờ ú ớ không biết đáp lại bằng tiếng gì. Khách cười mình cũng cười theo.
Sự kì thị
Cũng không thiếu những trường hợp người Nhật bài ngoại cực đoan.
Vừa gặp chưa kịp nói gì, vừa nhìn bảng tên mình thôi là cao giọng “Mày không phải người Nhật chứ gì”, nhưng không đổi quầy mà vẫn bắt mình tiếp. Giải thích tới đâu thì sấn sổ mỉa mai, cao giọng quát nạt “Tao chả hiểu cái gì cả, mày nói cái quần què gì vậy” (dịch không thêm bớt lời đâu nhé). Cho đến khi đồng nghiệp người Nhật thấy không ổn, qua hỏi thì lại cụp đuôi bảo “Ờ ờ tại nó không giải thích, tại nó không đủ lễ nghi”.
Có người thì không mắng chửi gì, chỉ bảo “Đổi người Nhật cho tao”, có người thì “Nước mày nghèo, không có tiền nên mới phải sang đây đúng không”, “Mày qua đây kiếm chồng lấy quốc tịch chứ gì”, “Nước mày có máy lạnh hả, ghê ha” và rất nhiều những lời mỉa mai đa dạng khác.
Có một đoạn mà mình tạm gọi là giai đoạn “sốc văn hoá” khi liên tục gặp phải những trường hợp đả kích do bị kì thị cực đoan và phân biệt đối xử trong quá trình làm việc. Lúc đó, mình ghét Nhật Bản vô cùng.
Với những người cả đời ở Việt Nam, chưa từng sinh sống nhiều năm ở nước ngoài, có lẽ nghe đến đây sẽ dễ dàng buông một câu “Nhập gia tùy tục, không chịu được thì về nước đi”. Nói thì dễ vì chưa từng tự trải qua mà thôi.
Mình lúc đó thất vọng, chán nản, trở nên khép mình, vừa không muốn nói chuyện với bất kì ai vì nghĩ chả ai cảm thông gì được, vừa nhìn nước Nhật với suy nghĩ hằn học vô cùng.
Nhưng khi nghĩ lại vẫn còn đó những người bạn Nhật tốt bụng đã nâng đỡ, động viên mình khi sống ở đây. Và dù không được thấu hiểu thì vẫn còn đó biết bao đồng bào Việt Nam tại Nhật đồng cảnh ngộ nhưng vẫn đang nỗ lực vươn lên từng ngày.
Ai cũng sống vì mục tiêu của mình và tồn tại theo cách riêng. Bằng một cách nào đó, mình đã vượt qua những cú sốc văn hoá để đi tiếp cho đến ngày hôm nay.
Kết
Được khen hay “bị khen” không quan trọng. Quan trọng là phải hiểu được đối phương là người như thế nào để biết đối đãi hoặc đáp trả phù hợp.
Nghề dịch vụ vốn là làm dâu trăm họ. Nhưng chính công việc này đã giúp mình nhanh chóng học được các mặt tốt xấu của con người và sự đa dạng về văn hóa.
Mình không còn cái tình yêu ngây ngô với nước Nhật như cách đây năm mười năm, khi còn là em gái mộng mơ về một xứ anh đào hoàn hảo trong truyện tranh, hoạt họa. Giờ đây, mình ngắm nhìn Nhật Bản bình thản hơn, không yêu nhưng cũng chẳng ghét. Nhật, Việt hay bất kì đất nước nào cũng đều là những quốc gia tập hợp rất nhiều người với muôn vàn tính cách, có người hợp với mình, có người không.
Chỉ là bây giờ, mỗi lần gặp một người Nhật tốt bụng với mình, mình đối đãi họ với tất cả sự tôn trọng. Vì mình biết không phải ai cũng là người tốt và cũng không ai có nghĩa vụ phải đối tốt với mình cả. Gặp được người đàng hoàng thì phải trân quý. Thế thôi.
Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.
Để lại bình luận