Hôm trước mình có dịp tham gia seminar của Chatwork. Ban đầu mình đăng ký tham gia series này vì chỉ muốn nghe phần chia sẻ của một chị nổi tiếng trong show truyền hình, nhưng về sau cũng tiện giờ nghỉ vào nghe luôn phần chia sẻ của một diễn giả khác. Đó là Madoka Sawa, giám đốc của Ensou.
Lúc tham gia mình cũng chẳng để ý bác này là ai, nhưng nghe xong thì thấy bác nói rất lôi cuốn. Tiếc là lúc đó bận nên mình không có thời gian memo chi tiết, mãi sau mới có thời gian ghi lại nên không đầy đủ. Mình ghi lại với mục đích lưu lại và tiện thể chia sẻ cho những ai quan tâm, dù có lẽ hầu hết nội dung chắc mọi người cũng đã biết rồi.
Người quản lý
Trong seminar, Madoka Sawa phân tích rất rõ về góc nhìn của từng người trong công ty. Giám đốc thấy sao, góc nhìn của lãnh đạo thì sao, middle manager (quản lý tầm trung) như thế nào và nhân viên nhất là nhân viên mới. Công việc quản lý 管理職 trong thời gian tới theo bác có thể được thay thế bằng AI… Tuy nhiên quản lý thì lại hơi khác. Ở Nhật, nhìn chung ở hầu hết các nơi vẫn duy trì mô hình thăng chức, tăng lương là sẽ lên làm quản lý. Muốn lương cao, thăng tiến thì đa số phải lên quản lý (dù ko phải công ty nào cũng vậy).
Nói về quản lý thường là nói về người có chức năng dịch thuật, truyền đạt lại tư tưởng của công ty tới nhân viên. Ban lãnh đạo nhìn bao quát toàn công ty còn người quản lý nhìn bao quát toàn bộ phận mình phụ trách.
Quản lý không nên tạo ra cảm giác lấn át mà nên đem lại cảm giác được hỗ trợ cho nhân viên của mình. Đặc biệt trong mùa dịch Covid khá khó khăn trong việc giao tiếp với nhau. Một trong những điều kiện tiên quyết là cảm giác an toàn về mặt tâm lý, nên để nhân viên có cảm giác an tâm.
Thay vì những câu hỏi chất vấn như なんで?(WHY – Tại sao?) tại sao ko làm được ABC?… thì nên hỏi 何があった?(WHAT – Có chuyện gì thế? Làm sao thế?). Câu hỏi “Tại sao?” chỉ khiến đối phương cảm thấy bị công kích, còn hỏi “Chuyện gì thế?” sẽ khiến họ có cảm giác mình đang cùng họ suy nghĩ giải pháp. Không những thế, cách này còn có thể kéo những người xung quanh vào vấn đề để cùng suy nghĩ ra hướng giải quyết. Bác Madoka Sawa đã giới thiệu một cách khá hay mà bác học được khi còn làm việc ở Microsoft:
どうやったら助けられる?(How can I help? Tôi có thể giúp được bằng cách nào?).
Nếu bạn nói 何かあったら言ってね (Có gì cứ bảo tôi nhé) thì nhiều khi đối phương cũng không dám lên tiếng, nên hỏi theo cách trên họ sẽ đưa ra điều mà họ cần bạn giúp.
Câu chuyện về trường Đại học Harvard
Trước kia chúng ta thường thích tích luỹ kiến thức (Knowing – 知識の蓄積). Mọi người cố gắng học chăm chỉ để vào được trường tốt, đại học danh tiếng để được học với các thầy cô giỏi. Mục đích chủ yếu là tích luỹ kiến thức. Nhưng khi Internet bùng nổ, chúng ta giờ đây hoàn toàn có thể tự tìm kiếm thông tin, kiểm tra chéo thông tin dễ dàng. Mọi người bắt đầu chuyển sang xu hướng cứ bắt tay vào làm cái đã (Doing – 超実践主義) và chứng kiến sự bùng nổ của nhiều thứ như sự ra đời của Silicon Valley…
Khi dịch Covid xuất hiện, bắt buộc người với người phải giãn cách, phải ở nhà nhiều hơn thì mọi người mới bắt đầu xoay vào bên trong và hướng về sự tồn tại của bản thân (Being = どうありたいのか). Trước đại dịch có một vị trí trong công ty khiến người ta an tâm, nhưng khi có nhiều thời gian cho bản thân hơn, người ta lại suy nghĩ xem mình muốn sống như thế nào nhiều hơn. Điều này có liên quan gì đến giao tiếp? Khi bạn thành thực thể hiện bản thân theo cách sống mà bạn mong muốn thì những lời nói của bạn cũng sẽ trở nên chân thật hơn.
Tóm tắt
Tóm tắt lại không có quá nhiều ý nhưng cách trình bày ngắn gọn và dễ ngấm của bác Madoka Sawa làm mình thấy rất hay. Mãi sau mới biết bác được mệnh danh là プレゼンの神 (thần diễn giả). Lời cuối bác có nói về Presentation (Thuyết trình) cũng cứ hình dung như một món quà. Khi nhận quà thì ai cũng thấy vui cả. Thế nên mình thuyết trình thì nên trình bày sao cho người ta cảm thấy vui, học hỏi được nhiều điều như nhận được quà vậy. Như vậy thì mọi người đều sẽ vui vẻ đón nhận nó.
Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.
Để lại bình luận