Làm IT nhưng có thù với code (1)

Lời đầu tiên, bài viết này được dựa trên kinh nghiệm cá nhân nên có thể có những thông tin không hoàn toàn chính xác. Nếu các anh chị, các bạn có những ý kiến đóng góp, mong mọi người để lại bình luận bên dưới để mình được học hỏi thêm. 

VỀ NGƯỜI VIẾT 

Tên: Khôi Nguyễn (mọi người cứ gọi là Kôi hay Khôi cũng được)

Tuổi: 1993 

Kinh nghiệm: comtor + sales IT + ERP consultant

Công việc hiện tại: SAP functional consultant

Vì đang tích cực hoạt động trên các nhóm cộng đồng, group Facebook… nên khá nhiều bạn biết mình đang làm trong công ty IT và liên lạc đến mình hỏi về định hướng nghề nghiệp. 

Có nhiều bạn hiểu nhầm, nghĩ mình giỏi kỹ thuật lắm nên mới làm được công việc hiện tại. Nhiều người chưa hình dung được công ty IT là như thế nào, mới chỉ biết nhu cầu nhân sự IT lớn nhưng lại không hiểu cụ thể về ngành này, mặc định cứ làm IT là phải biết code, phải abc lọ chai các kiểu… 

Mình nhận được nhiều câu hỏi khá giống nhau nhau, đôi lúc hơi ngây ngô. Vì thế, xin viết một bài khá dài để chia sẻ câu chuyện liên quan đến các bạn khối bunkei muốn vào làm ở các công ty IT. 

NỘI DUNG CHÍNH 

  1. Công ty IT có 7749 hình thái khác nhau. 
  2. Để vào công ty IT không nhất thiết phải biết lập trình. 
  3. Career path cho những bạn đi theo khối bunkei trong cty IT. 
  4. Giới thiệu công việc Sales IT 
  5. Nên chuẩn bị những gì khi muốn vào làm việc trong công ty IT? 

Let’s GO!

1. Công ty IT có 7749 hình thái khác nhau

Nhiều người mặc định vào công ty IT là phải ngồi viết code cho các phần mềm, ứng dụng hoặc website… nhưng thực tế không phải. Sản phẩm đến từ các công ty IT rất đa dạng. Ví dụ như đó có thể là một phần mềm mọi người có thể tải về từ app store hoặc đôi khi chính là hệ thống tự thanh toán tại một cửa hàng tiện lợi, nơi mà mọi người tự cầm máy check barcode để tự tính tiền những món rau thịt đã mua. 

Sự đa dạng của công ty IT

Nếu phân loại công ty IT theo hình thái sản xuất, có thể chia thành 3 hướng lớn.

1.1 Công ty Product 

Là công ty tự sản xuất và tự bán sản phẩm của mình.

Ví dụ như HBLAB VN có 1 công ty con là KiddiHub. Đội ngũ nhân sự của KiddiHub tự tạo ra hệ thống KiddiHub để kết nối các phụ huynh và các trường mầm non, làm cho việc chọn trường cho các bé trở nên dễ dàng hơn. Tất cả việc lên ý tưởng, phát triển và vận hành KiddiHub đều do nhân sự nội bộ thực hiện. 

1.2 Công ty Outsourcing 

Là công ty nhận yêu cầu từ một công ty khác và phát triển hệ thống theo yêu cầu đấy. Có thể hiểu như người thợ gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng. 

Trong mảng Outsourcing có thêm 1 số khái niệm như OnShore, NearShore, nhưng chắc khái niệm gần gũi nhất với cộng đồng IT tại Nhật là Offshore. Các công ty Offshore có thể hiểu một cách đơn giản là công ty phát triển hệ thống theo yêu cầu từ những khách hàng nước ngoài, có sự cách biệt địa lý, múi giờ và ngôn ngữ. Ví dụ: Ở Hà Nội, một số công ty Offshore cho thị trường Nhật có tiếng, có thể kể tên như là Rikkei, NTQ, Ominext,… 

Ngoài ra, còn có một hình thái thứ ba nữa được gọi là Sler (System Integrator) nhưng mình không hiểu rõ nên xin phép không viết về khái niệm này. 

Để vào công ty IT nhất thiết phải biết lập trình không?

2. Để vào công ty IT không nhất thiết phải biết lập trình

Hôm qua, có một bạn gọi đến hỏi: “Anh ơi, em bây giờ có N1 rồi. Anh khuyên em nên học tiếng Anh hay học IT?” Mình được nhận khá nhiều câu hỏi như thế này. 

Và câu trả lời của mình là: “Ủa thế em muốn làm gì mà học hai cái đó?” 

Em ấy trả lời: “Em muốn vào công ty IT nhưng làm gì thì em chưa biết.” 

Mình: “…”

Về bản chất, công ty IT cũng là một tổ chức được xây dựng trên việc sắp xếp các tài nguyên kinh doanhcon người chính là một tài nguyên quan trọng. Trong công ty IT không chỉ có các anh kỹ sư chuyên code mà còn cần các chị kế toán tính toán doanh thu, các em nhân sự lo lắng việc sắp xếp nhân sự và bảo đảm đời sống cho các Stakeholders (người gắn bó với công ty), hay là cần những nhân viên phụ trách tiếp xúc khách hàng để lắng nghe pain point (điểm đau) của khách hàng là đội ngũ Sales. 

Về bản chất, công ty IT cũng là một tổ chức được xây dựng trên việc sắp xếp các tài nguyên kinh doanh và con người chính là một tài nguyên quan trọng. Trong công ty IT không chỉ có các anh kỹ sư chuyên code mà còn cần các chị kế toán tính toán doanh thu, các em nhân sự….

Và để làm được những vị trí khác nhau bạn cần đến các kỹ năng khác nhau. Không thể nào yêu cầu kế toán cũng biết viết code PHP cả vì… chẳng để làm gì. Qua đây mình cũng xin xấu hổ thừa nhận là mình không viết nổi một dòng code nào hết. Bạn đại học vẫn thắc mắc không hiểu sao mình tốt nghiệp được Công nghệ thông tin Bách Khoa trong khi cứ nhìn màn hình coding là mình ngủ.

3. Career path cho những bạn đi theo khối bunkei trong công ty IT 

Như đã nói ở mục 2, không phải bất kỳ vị trí nào trong công ty IT cũng cần đến code. Và cũng nói thiệt luôn, không phải chỉ mỗi mấy anh kỹ sư mới có thu nhập cao.

Tuần trước, mình có cơ hội được nói chuyện với một HR (Human Resources) của 1 trong 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới về chuyện mình có nên rẽ hướng sang làm BrSE (Bridge Software Engineer – kỹ sư cầu nối) hay không? Chị ấy đã tư vấn nếu mình muốn giữ career path (con đường sự nghiệp) một cách nhẹ nhàng hơn, thì vẫn nên dựa vào những thứ mình đang có. Đó là kinh nghiệm về sales. Rẽ sang làm BrSE chưa chắc đã là một hướng đi đúng đắn, nhất là khi mình đã 28 tuổi. Chốt cho câu chuyện này là mình vẫn không nên đi học code tại thời điểm hiện tại (nhưng để phát triển hơn thì trong tương lai mình vẫn cần học). 

Vậy với những người có khả năng ngôn ngữ tốt thì có thể làm được gì? 

Điều cần xác định rõ là công ty bạn muốn vào làm đi theo hình thái gì? Product hay Outsourcing Offshore như mình đã nói ở mục 1. Bởi lẽ, công ty Product sẽ có những role (vai trò) non-tech kiểu Product, công ty Outsourcing Offshore sẽ có các role non-tech của Outsourcing Offshore.

Ví dụ, các công ty Product sẽ có role BA (Business Analyst) theo quy chuẩn của IIBA trong khi các công ty Offshore không có role này một cách chính thống. Theo như mình biết một vài công ty Offshore cũng có vai trò BA nhưng các BA này không đáp ứng chuẩn IIBA – cơ quan quốc tế về nghiệp vụ BA, không đủ điều kiện để thi các chứng chỉ do IIBA quản lý. Nếu kiến thức này của Kôi không chuẩn, mong mọi người bổ sung nhé. Ngược lại, các vai trò như BrSE hay Comtor (nhân viên phụ trách giao tiếp) sẽ có nhiều trong mô hình Offshore vì các công ty Product thường không cần đến những role này. 

Nên ý kiến của mình cho career path của các bạn đó là định hướng xem mình muốn làm công việc gì? Kế toán, nhân sự, sales, marketing… rồi tìm công ty phù hợp. Với mỗi định hướng nghề nghiệp, các bạn nên chuẩn bị các skill set (bộ kỹ năng) phù hợp. Ví dụ như làm kế toán thì nên học Boki chứ không nên tốn thời gian đi học FE hay code Java làm gì. 

Phần 2 của bài viết mình sẽ giới thiệu về công việc Sales IT cũng như những kỹ năng bạn nên chuẩn bị khi muốn vào làm việc trong công ty IT.

Phần 2: Làm IT nhưng có thù với Code (Phần 2)

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai