Chia sẻ kinh nghiệm đi xin việc ngành IT cho 新卒 1

1. Quá trình đi xin việc của mình: từ tháng 8/2020 tới tháng 4/2021

Quá trình đi xin việc
  • Đầu năm 3: Quyết định đi xin việc thay vì học lên thạc sĩ.
  • Kỳ 1 năm 3: Đi xin làm thêm ở công ty Hachi-X, một công ty startup trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
  • Hè năm 3 (Tháng 8/2020): Tham gia các buổi seminar(ゼミ) của TAIYO JOB. Thông qua những buổi seminar này, mình xác định trục tìm việc (就職軸), tìm hiểu về ngành nghề (業界), tập tành viết sơ yếu lý lịch (履歴書).
  • Tháng 8 – 9/2020: Đăng ký tài khoản trên Mynavi và Rikunabi, đăng ký đi thực tập được 3 công ty.  Qua các buổi One day intern (thực tập 1 ngày) này mình hình dung được công việc của một kỹ sư IT, đồng thời xác định được vị trí mình muốn làm là Full Stack Engineer, Data Science hoặc AI Engineer.
  • Tháng 10/2020: Ứng tuyển(エントリ) vào công ty đầu tiên, công ty chuyên cung cấp dịch vụ về trí tuệ nhân tạo. Kết quả trượt.
  • Tháng 11/2020 – 1/2021: Tự phân tích lý do trượt công ty đầu tiên.  Lý do: Viết CV còn chưa được tốt, chưa có thành tích gì để PR bản thân. Vì vậy, mình đã tạo một Portfolio bằng HTML, CSS, JS; tham khảo các bài viết về cách viết CV để viết CV tử tế hơn. Ngoài ra mình tìm hiểu thêm và biết đến paiza, labBase. Thời gian này mình làm nhiều bài trên paiza lên rank B, tiếp theo là đăng CV của mình lên paiza, labBase, bật chế độ Open to work.
  • Tháng 2/2021: Thông qua paiza, labBase, mình nhận được thư mời phỏng vấn tầm 10 công ty. Trong số đó, mình thấy có hứng thú với tầm 5 công ty và đã ứng tuyển sau khi tham gia buổi trao đổi về công việc (初回面談) với bộ phận nhân sự (人事) của các công ty đó.
  • Tháng 3 – 4/2021: Tham gia thi vòng code + phỏng vấn các công ty.  Mình trượt một vài công ty, những công ty còn lại càng vào sâu hơn thì cảm giác bất an càng nhiều. Lúc này mình cảm thấy áp lực và loay hoay tìm thêm công ty khác.
  • Ngày 19/4/2021: Tham gia buổi phỏng vấn cuối (最終面接) của công ty GA-Technologies (nguyện vọng 1 của mình). Kết quả đậu/rớt (合否) có ngay sau buổi sáng hôm đấy. Kết quả là đỗ. Mình thở phào nhẹ nhõm và kết thúc hành trình đi xin việc tại Nhật.

2. Kinh nghiệm đi xin việc

1. Bắt đầu sớm là một lợi thế

Không chỉ ngành IT, nhìn chung khi đi xin việc, nếu bắt đầu sớm bạn sẽ có nhiều thời gian để:

  • Tìm hiểu công ty, ngành.
  • Xác định công việc mình muốn làm.
  • Hình dung công ty mình muốn làm.
  • Chuẩn bị kỹ CV.
  • Làm nhiều project (dự án) để PR bản thân.
  • Vì quỹ thời gian còn nhiều nên dù có trượt vài công ty thì cũng không quá stress, mà đó cũng là cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm cho sau này.

2. Xác định sớm mình muốn làm gì và mình muốn làm ở một công ty như thế nào?

Xác định mình muốn làm gì ?

Khi tham gia phỏng vấn cùng các công ty, câu hỏi mà mình luôn luôn được hỏi là 就職軸(しゅうしょくじく)– những yếu tố mà bạn dùng để chọn lựa công ty. Mình xác định những điểm này khá sớm. Dưới đây là yêu cầu của mình.

  • Có chương trình đào tạo người mới tốt.
  • Môi trường làm việc mở, nhiều cơ hội phát triển cho người mới. Tạo nhiều cơ hội cho người trẻ trở thành lãnh đạo.
  • Xung quanh có nhiều lập trình viên giỏi.
  • Nội dung công việc làm về Web service, có thể xây dựng bản thân trở thành Fullstack Developer.
  • Lương cao, có nhiều chế độ hỗ trợ cho nhân viên.
  • Có kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế (có chi nhánh ở Việt Nam thì càng tốt).

Tất nhiên chọn được những công ty đầy đủ cả 6 point trên thì rất khó, nếu công ty nào có đủ 4/6 yếu tố thì mình cũng ứng tuyển thử.

3. Tích cực tự làm các project để PR bản thân.

Hồi mới bắt đầu xin việc, mình không hề nhận ra tầm quan trọng của việc tự làm các project. Sau khi tham gia phỏng vấn tầm 2 công ty, hầu như công ty nào cũng hỏi mình đã build được gì rồi? May mắn là mình có cơ hội nửa năm làm ở Hachi-X, cộng thêm việc tự build trang portfolio cá nhân nên mình cũng có cái để PR.

Vì vậy, mình rất khuyến khích các bạn kohai đang xin việc thì nên build trang portfolio cho bản thân và tự build tầm 3 – 4 project nhỏ cho mình (làm một mình hoặc làm theo team đều được). Những project này sẽ là một điểm cộng siêu to đối với nhà tuyển dụng. Lưu ý là khi PR các project bạn đã làm thì bạn nên giải thích lý do vì sao bạn muốn làm project đó nhé.

4. Cày code và dùng github để lưu code.

Vì đặc thù ngành IT nên các công ty đều muốn kiểm tra xem bạn có biết code hay không. Mình nghĩ việc xác định coding level của ứng viên cũng là một điểm quan trọng trong việc tuyển dụng.

Luyện coding như thế nào? Ngoài việc chăm chỉ học các môn lập trình trên trường, các bạn nên làm thêm các bài code trên các trang luyện code như là hackerrank, paiza.jp. Mình thấy nhiều công ty Nhật có vòng đầu tiên là coding, nội dung bài code + level của nó tương đương các bài rank B trên paiza.

Nhiều công ty cũng hỏi về tài khoản github của bạn để vào xem coding style và coding level của bạn. Hãy public một vài project bạn thấy tự tin để họ có thể xem được nhé.

5. Sử dụng đa dạng các trang đi xin việc.

Các trang web tìm việc làm

Khi sử dụng nhiều service thì mình cũng tăng cơ hội tiếp cận các công ty, dưới đây là các service mình đã dùng.

  • Rikunabi + Mynabi: 2 trang có lượng người dùng rất đông đảo, có nhiều công ty thuần Nhật trên đó. Mình dùng để kiếm vài công ty đi One day intern. Sau một hồi sử dụng thì mình thấy trên này nhiều công ty không phù hợp với mình. Mình thích những công ty không dùng SPI để xét tuyển, tự do về giờ làm, môi trường làm việc cởi mở, tự do về trang phục (không cần mặc suit), công ty có định hướng ra quốc tế…. Có vẻ trên Rikunabi + Mynabi mình sẽ khó tìm được công ty ưng ý nên mình đã không dùng 2 trang này nữa.
  • paiza.jp: Trang luyện code, PR khả năng code, đăng profile bản thân lên để các nhà tuyển dụng chú ý và gửi thư mời. Qua nền tảng này có tầm 5-6 công ty gửi thư mời mình để thảo luận về công việc (面談), công ty hiện tại mình nhận lời mời làm việc (内定) cũng thông qua nền tảng này.
  • LabBase: Cho dân rikei PR công trình nghiên cứu (学会発表), các project đã làm … Qua nền tảng này mình nhận được thư mời của tầm 4 công ty.
  • LinkedIn: Những công ty có HR là người Việt rất hay dùng MXH này. Qua nền tảng này mình kết nối với 1 công ty.

Lợi ích chung của các service này là các bạn có thể được miễn phần Coding hoặc nộp hồ sơ (エントリーシート).

6. Dùng Google Calendar để lưu deadline các công ty.

Khi xin nhiều công ty, bạn sẽ rất khó quản lý deadline. Vậy nên khi biết deadline nộp CV hay làm coding, mình khuyến khích bạn lưu lại trên Google Calendar và check lịch mỗi ngày để có sự chuẩn bị chỉnh chu hơn.

Nếu quản lý không tốt, bạn trễ hạn làm coding hay nộp cv, hoặc đến lịch phỏng vấn nhưng bạn lại quên thì điều này rất không ổn (やばい…). Bạn sẽ bị trừ điểm rất nặng trong mắt của nhà tuyển dụng. Bonus thêm là trong các buổi phỏng vấn online, bạn nên vào phòng họp trước 5-10 phút. Điều này cũng là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

Phần sau mình sẽ chia sẻ tên + review những công ty IT mình đã ứng tuyển nhé -> Kinh nghiệm đi xin việc ngành IT cho các bạn mới ra trường (P2)

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai