Khi HR recruiter lên tiếng (P1): 5 câu hỏi recruiter muốn bạn trả lời

Background của mình 

Xin chào mọi người. Mình tên là Diệp, qua Nhật chính thức từ năm 2018. 

Mình đang làm việc trong một công ty săn tìm nhân sự cao cấp (Executive Search) ở Ginza được hơn 2 năm, chuyên hỗ trợ các công ty nước ngoài ở Nhật săn tìm lãnh đạo mảng Nhân sự (HR) và Tài chính (Finance, Accounting).

Hoạt động chính của mình trong nghề là liên lạc và trò chuyện với các bác lãnh đạo level APAC và Japan, phần lớn là General Manager, Head of HR, Head of Finance, HR Business Partner… để hiểu thêm về tình hình kinh doanh và chiến lược nhân sự của họ. Từ đó, nếu họ có nhu cầu tuyển dụng, hoặc điều chỉnh hình ảnh thương hiệu (Employer Branding), etc… thì mình có thể thảo luận những dịch vụ phù hợp đáp ứng nhu cầu đó.

Bên cạnh đó, mình cũng được trò chuyện với rất nhiều người làm trong mảng tài chính, nhân sự (thi thoảng cả những mảng khác) để hiểu về hoàn cảnh, nhu cầu cá nhân của họ, và hỗ trợ họ trong suốt quá trình từ nộp hồ sơ, phỏng vấn tới chốt offer, on boarding nếu có cơ hội phù hợp.

Hôm nay mình muốn chia sẻ sơ lược khi mình gặp ứng viên thì mình thường đánh giá họ ở những điểm nào, hi vọng sẽ hữu ích khi các bạn đang trong quá trình tìm việc và muốn làm việc với recruiter một cách có hiệu quả hơn… Ở bài sau mình sẽ chia sẻ cho các bạn recruiter một số tips của mình để thành công trong nghề nhé. 

5 điểm đánh giá ứng viên 

Có thể điểm qua là các công ty hàng đầu sẽ đều muốn chọn người nói năng mạch lạc, logic, có thái độ tích cực, can-do attitude, cởi mở trong suy nghĩ, biết lắng nghe và giao tiếp lịch sự, tôn trọng khi người khác làm lãnh đạo.

1.Hard skills – kinh nghiệm làm việc nổi bật của bạn là gì?    

Mình sẽ hỏi ứng viên về thành tích của họ, ví dụ một project nổi bật hoặc khó ở mỗi công ty mà họ đã từng làm. Trong đó, họ báo cáo công việc cho ai, có quản lý team không, nhiệm vụ chính của họ là gì.

Dựa vào câu chuyện mà họ kể và cách họ kể, mình có thể hiểu được scope of work (quy mô công việc), level of seniority (vị trí trong công ty), cách suy nghĩ, cách làm việc với người khác, và sự tự tin/tiềm năng của họ. 

Tuy nhiên, rất khó để recruiter đánh giá hard skills của ứng viên vì recruiter không làm công việc đó, thế nên ở đây mình không đánh giá trình độ chuyên môn mà đánh giá việc ứng viên chọn trải nghiệm nào để kể và khả năng truyền đạt của họ. Cá nhân mình hay dùng cái này để trao đổi về hồ sơ ứng viên khi nói chuyện với các công ty.

2. Lý do nghỉ việc ở mỗi công ty có hợp lý không?

Hầu hết các công ty đều muốn biết về điểm này ở ứng viên. Lý do hợp lý thường là vì hoàn cảnh gia đình, vì công ty tái cơ cấu, vì đã ở công ty đủ lâu, đóng góp đủ và công việc mới sẽ mang lại nhiều giá trị cho sự nghiệp hơn…  

Mình thường muốn hỏi kĩ câu này để xem ứng viên có vấn đề gì không, ví dụ có phải họ bị sa thải vì năng lực hay kĩ năng giao tiếp kém, hay bản thân họ không suy nghĩ chín chắn nên cứ chọn những công việc khiến họ không happy.

Vậy nên, các bạn hãy suy nghĩ kĩ về lý do thực sự khi quyết định nghỉ việc, và chuẩn bị câu trả lời logic cho nó khi được công ty hay recruiter hỏi.

3. Hãy tự đánh giá các kĩ năng chính, điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của bản thân.  

Thi thoảng mình thích đối chiếu đánh giá của mình với phần ứng viên tự đánh giá xem có lệch nhau quá không. Một số ứng viên chưa có hiểu rõ bản thân ở một số điểm, và mình có thể giúp feedback cho họ. Ngoài ra phần này giúp mình hiểu cá tính của ứng viên để gợi ý môi trường phù hợp.

Khi HR recruiter lên tiếng (P1): 5 câu hỏi recruiter muốn bạn trả lời
Những điều recruiter muốn biết về bạn

4. Bạn muốn tìm công việc như thế nào?

Thường thì tiêu chuẩn về công việc sẽ bao gồm:

  1. vị trí kiểu gì: thích đóng góp/ challenge mảng nào, thích giải quyết loại vấn đề gì, vị trí này có thể hỗ trợ sự nghiệp của họ thế nào kiểu thăng tiến hay đi nước ngoài…
  2. công ty gì: ngành gì, công ty to hay bé, văn hoá thế nào…
  3. địa điểm làm việc;
  4. mức lương hiện tại mức lương mong muốn;
  5. hoàn cảnh gia đình có gì đặc biệt, ví dụ có con nhỏ cần về nhà sớm etc…

Một phần, những priorities này là guideline để mình giúp họ. Phần khác là để xem họ có thực tế hay không, và mình có thể tư vấn thêm một số ý tưởng khác không.

5. Kĩ năng mềm & tính cách 

Mình đánh giá soft skills và tính cách của họ thông qua cả cuộc nói chuyện. Mỗi người một tính, mình không đánh giá họ là người tốt hay xấu mà chỉ xem họ có đủ điều kiện để mình hợp tác, và giúp họ bây giờ hoặc sau này không thôi.

Có thể điểm qua là các công ty hàng đầu sẽ đều muốn chọn người nói năng mạch lạc, logic, có thái độ tích cực, can-do attitude, cởi mở trong suy nghĩ, biết lắng nghe và giao tiếp lịch sự, tôn trọng khi người khác làm lãnh đạo.

Ngoài việc hỏi ứng viên trực tiếp, mình rất thích lấy reference check về một người nào đó từ người khác khi có thể (thị trường vòng quanh thực ra cũng nhỏ).

Kết 

Khi HR recruiter lên tiếng (P1): 5 câu hỏi recruiter muốn bạn trả lời
HIểu rõ bản thân là lợi thế khi muốn tìm việc hoặc chuyển việc

Rút lại ở chủ đề này là ở thời điểm nào cũng thế, đặc biệt khi muốn chuyển việc hoặc khi tìm hiểu thị trường việc làm, sẽ rất có lợi nếu bạn tự nhìn lại và hiểu rõ bản thân.

Khi nói chuyện với ứng viên thì mình muốn hiểu người đó. Hiểu không chỉ là kĩ năng cứng/mềm, mà cả cá tính, khả năng, sở thích, hoàn cảnh cá nhân, và tiềm năng của họ. Mình nhận ra ứng viên càng hiểu bản thân bao nhiêu thì họ sẽ có phong thái, cách diễn đạt giúp cho recruiter hiểu/ có thể giúp đỡ họ dễ dàng bấy nhiêu.

Bạn là người thế nào, có giá trị gì, bạn đã/ đang/ muốn làm gì và tại sao lại như thế. Trong mỗi việc bạn làm nên có tối thiểu 1 thành tích nào đó khiến bả thân thấy hài lòng. Hãy rèn luyện cách diễn đạt gãy gọn, mạch lạc, dễ hiểu. Nên đối xử tử tế, để lại ấn tượng đẹp với mọi người xung quanh (kể cả không thích ai thì cố gắng điều tiết cách nói chuyện, tránh bị tiếng không lành đồn xa…). Những điều này sẽ giúp ích nhiều cho bạn khi đang làm việc cũng như khi muốn chuyển việc. 

P2: Làm việc trong ngành recruiter, làm sao để không bị quá tải?  

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai