Chế độ tăng lương trong công ty Nhật

Hôm trước, mình được bác Trưởng phòng nhân sự của công ty giải thích về hệ thống tăng lương cho nhân viên trong công ty Nhật truyền thống, nên muốn chia sẻ lại với các bạn.

Cấu trúc lương phổ biến của công ty Nhật

Khi vào một công ty Nhật, thường mức lương của nhân viên trẻ mới vào sẽ ở mức thấp nhất. Sau đó mức lương được tăng dần đến mức cao nhất, thường là ở tuổi 45 – 55 và rồi lại giảm dần.

Như vậy ta có thể thấy việc tăng lương trong công ty Nhật truyền thống là một hình curve (đường cong) cố định, bị chi phối nhiều bởi thâm niên hơn là thực lực của nhân viên. Hơn nữa, đây cũng là hình mẫu điển hình của tuyển dụng trọn đời (終身雇用), tất cả nhân viên sẽ gắn bó với công ty suốt đời. 

Vì sao lại như vậy?

Yếu tố lịch sử – xã hội

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nền kinh tế Nhật Bản dần phục hồi. Xã hội khi ấy vẫn còn rất khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc. Các công ty – các tế bào lớn của xã hội, chính là các gia đình lớn, nơi mà các thành viên gia đình – các nhân viên công ty đóng góp hết mình.

Ngược lại, công ty sẽ đảm bảo cho các thành viên gia đình của mình có ăn có mặc, có được một cuộc sống tốt. Ít có ai bỏ gia đình của mình rời đi, do đó hầu như không có chuyện nhảy việc trong xã hội Nhật khi ấy. Tất cả nhân viên trung thành gắn bó với một công ty đến suốt đời.

Yếu tố cá thể

Khi mới vào công ty, ngoài việc ít kinh nghiệm nên chưa đóng góp được nhiều, hầu hết các nhân viên trẻ đều chưa có gia đình nên chưa cần mức lương quá cao. Phần lương đó sẽ dành cho những nhân viên khác có thâm niên cao hơn, những người còn phải lo cho nhiều miệng ăn ở nhà. Gia đình Nhật thường chỉ có người chồng đi làm nuôi cả gia đình. 

Do đó, càng có tuổi và càng làm việc trong công ty thì bạn sẽ được tăng lương đều vì:

Biểu đồ thu nhập của nam giới theo độ tuổi và khu vực năm 2015

1. Lên chức do có nhiều kinh nghiệm hơn.

2. Có thể có gia đình nên cần mức lương cao hơn để đảm bảo đời sống gia đình. Từ sau 55 tuổi, trừ khi lên được chức cao trong công ty, bạn sẽ đóng góp được ít hơn. Do đó mức lương lại giảm dần cho đến lúc về hưu.

Chế độ lương là thông điệp từ công ty Nhật tới nhân viên

Cách xây dựng bảng lương sẽ thể hiện cách nhìn của lãnh đạo về cách sử dụng nhân tài của công ty mình.

Chế độ tăng lương theo thâm niên như vậy là một suy nghĩ rất phù hợp với tình hình kinh tế sau thế chiến của Nhật. Đi làm là một “hợp đồng trọn đời” (lifetime contract): các công ty có trách nhiệm đảm bảo mức sống cho nhân viên của mình, đồng thời mọi nhân viên sẽ gắn bó cả đời với công ty.

Do đó, cấu trúc của việc tăng lương trong công ty Nhật cũng mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với người lao động.

Công ty muốn bạn gắn bó lâu dài trọn đời? Hay công ty muốn có nhiều người trẻ và giỏi làm lãnh đạo? Công ty nhìn nhận thực lực hơn hay thâm niên hơn? 

Công ty sẽ trả lương gốc cao và tiền thưởng dựa trên hiệu suất làm việc (performance bonus) thấp hay ngược lại? 

Cách xây dựng bảng lương sẽ thể hiện cách nhìn của lãnh đạo về cách sử dụng nhân tài của công ty mình.

Mọi người có suy nghĩ sao về chế độ tăng lương theo thâm niên thay vì theo năng lực trong các công ty truyền thống của Nhật? Và công ty các bạn đang sử dụng mô hình gì? 

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai