Kể chuyện nghề khách sạn ở Nhật (P2)

Đây là phần 2 trong series chia sẻ gồm 3 phần của tác giả Phương Kỳ về những câu chuyện khác biệt văn hóa khi làm việc trong ngành khách sạn tại Nhật.

Phần 1: Chữ “Lễ” trong văn hóa Nhật Bản

Lời khen đúng chỗ

Trong quá trình làm nghề khách sạn ở Nhật, mình nhận ra rằng: khách người Nhật khi thật sự tôn trọng nhân viên người nước ngoài, ít khi nào họ đâm ngang cuộc nói chuyện bằng lời khen “Em giỏi tiếng Nhật quá ha.”

Những người như vậy sẽ lắng nghe mình giải thích, có câu hỏi cũng sẽ hỏi bằng thể lịch sự, nói không nhanh ko chậm. Sau cùng khi mình hỏi họ có gì không rõ hay không, thường sẽ nhận được câu trả lời: “Cảm ơn, em giải thích rất dễ hiểu”.

Khi mình cúi đầu chào, họ cũng sẽ đáp lễ bằng cách chào lịch sự. Từ đầu tới cuối cuộc nói chuyện cũng sẽ không nhận xét gì về tiếng Nhật của mình. Cùng lắm lúc khách ra về chỉ để lại vài dòng trong tờ khảo sát rằng “Cô gái người nước ngoài đã tiếp đón tôi rất lễ độ. Tôi rất cảm kích”.

Có hôm tiếp một vị khách đi với vợ và hai con, lúc mình giải thích thì chăm chú lắng nghe, khi hỏi dùng kính ngữ, sau khi nói chuyện anh nhận giấy tờ chìa khoá xong gập người 45 độ cảm ơn và dắt các con theo dạy chúng cảm ơn mình. Người như vậy khiến mình kính nể vô cùng, tác phong toát ra toàn bộ lễ nghi của Nhật Bản. Nhìn một người mà khiến mình phải tôn trọng văn hóa của cả một đất nước.

Kể chuyện nghề khách sạn ở Nhật (P2)
Tất nhiên vẫn có một số người khen thật lòng.

Lời khen khiếm nhã

Nhưng có trường hợp mình chưa kịp mở miệng nói gì đã phủ đầu: “Ồ, bạn là người nước ngoài hả? Tôi cứ tưởng bạn người Nhật luôn đó, giỏi nhỉ giỏi nhỉ…” vân vân mây mây là mình ớn lạnh nhất.

Vì chỉ ngay sau đó, mình có giải thích tới cỡ nào họ cũng không thèm nghe, ngó lơ hoặc đang giải thích thì cắt ngang lời, vặn vẹo lại bằng những câu hỏi ác ý, kiểu nói thể ngắn khá kém lịch sự vừa không nói rõ ý muốn, như cố ý thể hiện “Nè, thách mà hiểu được tiếng Nhật của tôi đó”.

Cuối cùng sau khi giải thích xong, họ sẽ kiếm chuyện gọi xuống tìm gặp nhân viên người Nhật khác để hỏi lại những điều mình đã nói, chỉ để mách “Nhân viên lúc nãy (là mình) chẳng có giải thích mấy chuyện này”.

Tất nhiên vẫn có một số người khen thật lòng. Khác ở chỗ là dành lời khen sau khi mình đã kết thúc phần giải thích, chứ không phủ đầu hoặc ngắt lời. Biểu cảm, cách hỏi… cũng rất khác. Có người sẽ hỏi mình làm ở đây bao lâu, học tiếng ở đâu chẳng hạn.

Còn tiếp…

Phần 3: Sự kì thị

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai