Bị “choáng ngợp” bởi sự lễ độ là cảm giác như thế nào?
Có lẽ là khi bạn là một nhân viên khách sạn nhỏ bé, một mình đối diện với cả tập thể học sinh trung học đang cúi mình 90 độ và hô to “Cảm ơn vì đã chăm sóc chúng em trong thời gian vừa qua.”
Sự lễ độ nâng tầm giá trị con người. Và khi sự lễ độ đó đến từ một tập thể, được thể hiện một cách đồng nhất, thì chính là kết quả của giáo dục.
Các em ấy là nhóm bóng chuyền nữ sinh trung học từ Hakodate* đến Asahikawa* thi đấu, cùng giáo viên ở trọ tại khách sạn 3 ngày. Tất cả mặc đồng phục, đều để một kiểu tóc ngắn búp bê.
Mỗi lần đi ngang quầy lễ tân hoặc gặp nhân viên khách sạn, các em đều cúi đầu chào. Thầy giáo hướng dẫn đi cùng cũng rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, khi trao đổi cũng rất từ tốn. Kỳ thực điều này không lạ, bởi lẽ đây vốn là cách cư xử lịch sự thường ngày ở Nhật.
Nhưng lời chào tạm biệt của các em khiến mình đơ toàn tập.
Lần đầu mình được “đãi ngộ” như vậy. Mình lúng túng lắm, nhưng rồi cũng cúi người 90 độ đáp lại, “lắp não” vào để thay mặt khách sạn nói lời cảm ơn trịnh trọng nhất đến các em.
Thầy giáo là người dẫn các em đến quầy, xếp mọi người vào hàng. Chào xong các em lên xe, thầy cẩn thận đưa mình hộp chìa khóa bằng cả hai tay, cảm ơn lần nữa rồi mới rời đi. Mình chào hỏi xong vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác chưa hoàn hồn, vẫn tự hỏi liệu mình đã đáp lễ đàng hoàng hay chưa…
Sự lễ độ nâng tầm giá trị con người. Và khi sự lễ độ đó đến từ một tập thể, được thể hiện một cách đồng nhất, thì chính là kết quả của giáo dục.
Nhật Bản không hoàn hảo, không phải 100% dân số đều lịch sự đối đãi nhau (nhiều người cục súc lắm!). Mình làm 3 năm gặp bao nhiêu tour khách du lịch nội địa, chỉ mong không bị chửi hay phàn nàn chứ nào dám cầu sự trịnh trọng thế này đâu.
Nhưng không thể phủ nhận, chữ “LỄ” trong văn hóa Nhật Bản đẹp đến mức dễ khiến người ta cảm thấy choáng ngợp.
*Tên những địa danh ở Hokkaido (Nhật Bản)
Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.
Để lại bình luận