Đôi chút chia sẻ khi làm việc quản lý thực tập sinh tại Nhật!

Xin giới thiệu qua bản thân là mình tốt nghiệp năm 2010, ĐH APU ở Kyushu, và có khoảng 6 năm hơn làm trong ngành tuyển dụng tại Nhật (trừ đi thời gian nghỉ sinh 2 bé và học MBA). Mình đã từng làm cho 3 công ty, trong đó có 2 cty gaishikei là Adecco (recruiting assistant) và hiện tại là Hays Recruitment Japan (headhunter).

Tuy nhiên công việc giúp mình trưởng thành rất nhiều khi mới tốt nghiệp lên Tokyo 10 năm trước là công việc quản lý thực tập sinh (TTS).

Lúc đó, công việc của mình là phiên dịch tài liệu (Việt <-> Nhật); đến thăm các xí nghiệp định kỳ để xem tình hình thực tế TTS làm việc; hướng dẫn ôn thi chuyển giai đoạn; dịch giải quyết sự cố khi có các vấn đề như tai nạn, trộm cắp, cãi cọ v.v…

Mình rèn được kỹ năng gì từ công việc quản lý TTS?

Bản thân mới ra trường, tiếng Nhật còn chưa đủ tốt nên lúc đầu mình gặp không ít khó khăn khi nghe hiểu và thông dịch. Tuy nhiên, do đây là công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều nên mình cũng đã học hỏi và rèn được nhiều kỹ năng tốt. Ví dụ như sự năng động, khả năng ứng xử tốt hơn, khả năng phản ứng ngôn ngữ tốt hơn. Và hơn hết là hiểu biết của bản thân về cộng đồng TTS, những bạn có hoàn cảnh khác mình nhưng đều đang ở Nhật vì cùng một mục đích là làm việc chăm chỉ và tích góp cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Có những ngày mình thức dậy từ 5h sáng để ra sân bay đón các bạn TTS, nhưng mọi mệt mỏi tan biến hết khi nhìn thấy các em mới sang, vừa có chút lo lắng bỡ ngỡ lại vừa có chút phấn khởi mừng vui khi bắt đầu một công việc mới tại một đất nước mới.

Cuộc sống của TTS tại Nhật

Đôi chút chia sẻ khi làm việc quản lý thực tập sinh tại Nhật!
Các em mới sang vừa có chút lo lắng bỡ ngỡ lại vừa có chút phấn khởi mừng vui khi bắt đầu một công việc mới tại một đất nước mới.

Mọi người có thể nghe nhiều tin không tốt về các em TTS như trộm cắp, đánh nhau v.v… Nhưng khi tiếp xúc cùng các em ấy rồi mới thấy thương và đồng cảm, vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng. Phải xa nhà 3 năm, bươn chải nơi đất khách quê người là điều không hề dễ dàng. Cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì xuất phát điểm của họ là muốn sang Nhật kiếm tiền cho gia đình để có một cuộc sống, một tương lai tốt đẹp hơn.

Có em đã từng oà khóc với mình và nói “Chị ơi em nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ các em của em quá! Phải hơn 2 năm nữa em mới được về!”

Các bạn TTS để được sang Nhật là gia đình đã phải đóng rất nhiều tiền ở nhà, phải chấp nhận là ký hợp đồng ở Nhật 3 năm – trong thời gian này không được về nước. Tuy nhiên, sang đây rồi mới biết sống và kiếm tiền không hề đơn giản. Khó khăn đến bao nhiêu là tuỳ thuộc vào xí nghiệp và nội dung công việc các em làm.

Mình đã từng ở cùng các em làm trong xưởng sản xuất linh kiện điện tử (ở Osaka), có người bị bệnh về da do hàng ngày tiếp xúc với bụi sắt bắn ra từ máy mài – mặc dù đã có mặt nạ bảo hộ (bác sĩ nói sẽ bị lâu năm không biết khi nào khỏi). Có các em làm ở xưởng chế biến xúc xích, thịt hun khói (Nagoya thì phải), hàng ngày phải trực tiếp tiếp xúc với thịt sống, và xung quanh nơi ở rất nhiều mùi hôi của gia súc; v.v…

Có em đã từng oà khóc với mình và nói “Chị ơi em nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ các em của em quá! Phải hơn 2 năm nữa em mới được về!” Và lúc đấy mình cũng muốn khóc theo em ấy ?

Mối quan hệ với công ty, nghiệp đoàn

Các em TTS sang đây không hề tự do như DHS (du học sinh) hay người lao động bình thường, mà phải chịu sự quản lý của nghiệp đoàn. Lúc mình làm công việc này thì đa số các em không được tiếp xúc với internet hay điện thoại, hàng ngày chỉ được ở nhà hoặc đến công xưởng, không được lên tàu đi bất kỳ đâu khác cả.

Thi thoảng tới thăm mình mua tặng vài món đồ nhỏ xinh ở 100 yên là các em ấy vui hết cỡ, hỏi han về thế giới bên ngoài ra sao, hay mượn điện thoại mình để vào mạng online, đọc tin tức. Vì sợ các em ham vui bỏ việc và trốn khỏi xí nghiệp trước khi hợp đồng 3 năm hết hạn nên mới có sự quản lý khắt khe như vậy, nhưng dù sao cá nhân mình vẫn thấy việc đó hơi xâm phạm quyền tự do con người.

Đôi chút chia sẻ khi làm việc quản lý thực tập sinh tại Nhật!
Các em TTS sang đây không hề tự do như DHS (du học sinh) hay người lao động bình thường, mà phải chịu sự quản lý của nghiệp đoàn.

Sự khắt khe, quản lý nghiêm ngặt trong công việc cũng như những áp lực lâu dài từ các mối quan hệ con người, kể cả từ phía người nhà ở VN, cũng dẫn đến việc nhiều bạn bị căng thẳng thần kinh…

Nhiều xí nghiệp của Nhật có các bác Nhật quản lý rất chất phác, phúc hậu và kiên nhẫn. Được làm việc với những người như vậy cũng là một cái may mắn của TTS. Tuy nhiên có những chủ lao động không đàng hoàng, quỵt lương, chửi mắng không coi trọng TTS nước ngoài và tìm cách đưa họ về nước ngay khi họ bị tai nạn lao động.

Sự khắt khe, quản lý nghiêm ngặt trong công việc cũng như những áp lực lâu dài từ các mối quan hệ con người, kể cả từ phía người nhà ở VN, cũng dẫn đến việc nhiều bạn bị căng thẳng thần kinh hay tự sát để tự giải thoát. Mình may mắn không phải tiếp xúc với các chủ lao động như vậy nhưng thực tế là họ tồn tại rất nhiều và cũng có nhiều bi kịch của các TTS.

Lời kết

Công việc quản lý TTS hay phải làm việc muộn, kể cả ngày cuối tuần, địa điểm làm việc cũng thường không phải là trung tâm. Vì những lý do trên mà đây có thể không phải là công việc 人気 (được yêu thích) đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, mình thấy công việc đem lại những kiến thức, kỹ năng giao tiếp và trải nghiệm xã hội quý giá. Ngoài ra đây cũng là một công việc có tính chất cầu nối trực tiếp giữa người lao động VN và công ty Nhật, nên cảm giác đóng góp giúp đỡ trực tiếp cho người VN và doanh nghiệp Nhật rất rõ ràng.

Điều mình trân trọng nhất khi làm công việc này là có thể tiếp xúc với công xưởng Nhật, tầng lớp lao động chân tay của Nhật bản, để thấy mặt tối cũng như mặt sáng của Nhật và nghề TTS. Những kỹ năng giao tiếp có được trong công việc này cũng giúp công việc sau này của mình thuận lợi hơn rất rất nhiều. Bạn nào mới tốt nghiệp có thể cân nhắc công việc này xem sao!

Kinh nghiệm của mình là từ 10 năm trước nên có thể hiện tại đã có nhiều đổi khác. Các bạn nào đang hoặc đã từng làm công việc này thì hãy comment chia sẻ thêm kinh nghiệm nhé!

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai