Tìm việc tại Nhật: tiếng Anh hay tiếng Nhật quan trọng hơn?

1. Japanese isn’t essential. English is everything.

(Tiếng Nhật không quan trọng, tiếng Anh mới là tất cả)

Nhân một bài báo đăng trên tờ Reuters về câu chuyện cựu Bộ trưởng truyền thông Afghanistan không thể tìm việc ở Đức và đang nhận công việc giao hàng để kiếm sống qua ngày (1), mình xin phép luận bàn một chút về lối suy nghĩ gần đây của rất nhiều bạn sinh viên đang ở Nhật hoặc muốn sang Nhật làm việc. Đó là “Japanese isn’t essential. English is everything.” (Tạm dịch: “Tiếng Nhật không cần thiết. Tiếng Anh mới là tất cả.”)

2.The language is the most important part.

(Ngôn ngữ là điều quan trọng nhất)

Ông Sayed Sadaat, cựu Bộ trưởng truyền thông Afghanistan, về mặt lý lịch chắc chắn sẽ khiến không ít nhà tuyển dụng choáng ngợp: 

  • Kỹ năng quản lý (2 năm bộ trưởng, nhiều năm điều hành doanh nghiệp ở Anh và Trung Đông)
  • Kỹ năng chuyên môn (23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, có bằng Master từ Đại học Oxford)
  • Tiếng Anh bản xứ (quốc tịch Anh)

Thế nhưng từ khi chuyển đến sống ở Leipzig (Đức), ông chỉ có thể tìm được công việc chuyển phát và đang theo học tiếng Đức bốn tiếng mỗi ngày. Ông trả lời phỏng vấn Reuters như sau:

“The language (German) is the most important part,” said Sadaat.

Tạm dịch: “Ngôn ngữ (Tiếng Đức) là yếu tố quan trọng nhất.”

Có lẽ nhiều bạn sẽ bất ngờ với câu chuyện này, cho rằng ông Sayed Sadaat là một người không có năng lực nên mới không tìm được việc ở Đức với vốn tiếng Anh của mình. Tuy nhiên, với bản lý lịch như trên cùng tinh thần học hỏi dù tuổi đã cao (49 tuổi), mình không tin ông Sayed Sadaat là một người kém cỏi một tý nào.

Nếu chịu khó tìm hiểu kỹ về văn hóa, lịch sử… bạn sẽ thấy rằng đối với các nước phát triển có bề dày văn hóa lâu đời thì ngôn ngữ chính là một niềm tự hào dân tộc. Việc truyền bá văn hóa, ngôn ngữ được coi là quốc sách; người Đức có Viện Goethe-Institut, người Pháp có Institut Français với mục đích phổ cập ngôn ngữ nước mình ra toàn thế giới.

Chính phủ Đức thậm chí còn miễn học phí cho chương trình Đại học bằng tiếng Đức, cũng như yêu cầu chứng chỉ tiếng Đức tối thiểu khi cấp visa du học. Vậy nên, kể cả khi làm việc ở những nước có trình độ tiếng Anh cao như Liên minh Châu Âu, yêu cầu về ngôn ngữ bản địa là một trong những yếu tố thiết yếu khi đi tìm việc.

 

3. English is essential, but it isn’t everything.

(Tiếng Anh là quan trọng, nhưng không phải duy nhất)

Quay lại câu chuyện ở Nhật, một nước có trình độ tiếng Anh còn thấp hơn cả Việt Nam (theo khảo sát EF 2019), mình lấy làm lạ tại sao có nhiều bạn đang suy nghĩ chỉ cần tiếng Anh là có thể thành công ở Nhật, lẩn tránh việc học tiếng Nhật.

Đúng là những năm gần đây, có rất nhiều chương trình Đại học ở Nhật mở khóa học tiếng Anh bao gồm cả Đại học quốc tế tại Nhật và các Đại học truyền thống. Tuy nhiên, các bạn không nên đánh đồng việc mở rộng “Customer Base” (cơ sở khách hàng) của mảng giáo dục tại Nhật với nhu cầu của thị trường lao động Nhật Bản.

Theo số liệu METI (Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản) năm 2020 (3), thị trường lao động tại Nhật có thể chia thành hai khối doanh nghiệp

Doanh nghiệp thuần Nhật (Nikkei), chiếm 99.24% thị trường.

Doanh nghiệp vốn nước ngoài (Gaishikei), chiếm 0.76% thị trường.

Trước hết, mình sẽ nói về khối Nikkei. Như hình minh họa của bài được đăng trên Hướng dẫn xin việc cho du học sinh của Jasso (Japan Student Services Organization) (ảnh dưới), kể cả bạn có giỏi tiếng Anh đến mấy thì chỉ có 2.9% doanh nghiệp sẵn sàng nhận ứng viên có trình độ tiếng Nhật N3 trở xuống. Nếu bạn nỗ lực hơn và lấy được N2, con số này sẽ là 11.1%, vẫn chỉ là một con số vô cùng khiêm tốn trong khối Nikkei. 

Còn khối Gaishikei thì sao? Mình nghĩ rằng khá nhiều bạn có lối suy nghĩ “English only” (chỉ có tiếng Anh) đang kỳ vọng vào khối doanh nghiệp này. Tuy vậy, bạn nên nhớ khối Gaishikei cũng chỉ chiếm 0.76% thị trường lao động, và yêu cầu của khối này với trình độ tiếng Nhật cũng không hề thấp. Theo khảo sát của Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản năm 2020, 64.9% doanh nghiệp Gaishikei từ chối tuyển ứng viên người nước ngoài vì lý do không đủ trình độ tiếng Nhật.

Như vậy, nếu bạn là một sinh viên vừa ra trường, cực kỳ giỏi tiếng Anh, trình độ tiếng Nhật dưới N3, tỷ lệ doanh nghiệp ở Nhật bao gồm cả Nikkei và Gaishikei sẽ tuyển bạn vào làm là 3.1%. Đấy là còn chưa nói đến một phần không nhỏ trong số 3.1% này sẽ dành cho các ngành yêu cầu trình độ chuyên môn cao như Developer, Researcher (đa phần có bằng tiến sĩ),.. 

Ngoài ra, nếu mình không nhắc có khi các bạn lại quên mất rằng cuộc đua tìm việc tại Nhật đâu chỉ có mỗi du học sinh Việt Nam chúng ta hay Đông Á đâu chứ. Chỉ riêng trong khối Đông Nam Á đã có các bạn Singapore và Philippines sử dụng tiếng Anh từ khi mới ra đời, cùng vô số đối thủ mang các quốc tịch khác có tiếng Anh lợi thế hơn bạn.

Vậy mẩu bánh bé ti ti 3.1% của các bạn Việt Nam vừa tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ chỉ có tiếng Anh lại càng bé nữa. Để cho bạn dễ hình dung con số này bé thế nào, mình cho bạn thêm một con số nữa nhé. Đó là tỷ lệ người có thu nhập một năm hơn 10,000,000 yên năm 2019 là 4.5%. Có nghĩa là về mặt thống kê, khả năng kiếm được “thu nhập mơ ước” 10,000,000 yên “nếu” bạn được chấp nhận vào thị trường lao động Nhật Bản còn cao hơn khả năng một bạn chỉ có N3 được nhận làm nhân viên chính thức ở Nhật.

4. Japanese is quintessential

(Tiếng Nhật là vô cùng quan trọng)

Cá nhân mình dù khi tốt nghiệp đủ trình độ tiếng Nhật và tiếng Anh để ứng tuyển vào 79.6% thị trường cũng thấy rằng game này không hề dễ. Vậy nên, nếu bạn không phải là một tài năng trong một lĩnh vực đặc thù hay là một nhà nghiên cứu nhiều thành tựu, ”Japanese is quintessential” để làm việc và thành công ở Nhật, điều này đúng với 96.9% người nước ngoài khi tìm việc ở Nhật.

Tuy vậy, nếu bạn là một người, chơi game gì cũng phải chơi ở Hell Mode, bạn có thể tiếp tục thử thách với mạng chơi của mình, nhưng Life Game chỉ có một mạng, không hồi sinh, reload hay replay được đâu nha.

Link tham khảo cho bài viết:

(1) https://www.reuters.com/…/afghan-minister-who-became…/

(2) https://www.jasso.go.jp/en/ryugaku/after_study_j/job/__icsFiles/afieldfile/2022/02/21/guide_2023_all_e_1.pdf

(3) https://www.meti.go.jp/…/result_54/pdf/2020gaikyou-k.pdf

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai