Kinh nghiệm xin visa đi Mỹ từ Nhật của sinh viên Việt 9X (2018-2019)

Vì là lần đầu làm hồ sơ nên mình cũng rất bối rối, cũng phải gọi điện hỏi bạn bè và tự mày mò trên Google, Facebook để tìm thông tin. Lúc tìm thông tin, đa số mình thấy mọi người nói những người trẻ 9X và độc thân (chưa kết hôn – nghĩa là không ràng buộc hôn nhân ở Việt Nam) rất khó xin được visa. Thậm chí những người có tài chính (chức vụ cao, sở hữu tài sản khối lượng lớn, hộ chiếu đẹp – đã đi du lịch nhiều nước) vẫn trượt đều đều… Những điều mình chia sẻ dưới đây là những tổng hợp có tính logic để đậu được visa sau đó là quá trình mình xin visa cho các bạn dễ hiểu nhé.

Loại Visa

Loại visa mình xin là B1/B2 đi du lịch. 

Mục đích

Đầu tiên là với mục đích đi Mỹ, mình đã rất băn khoăn giữa Business hay Travel. Vì sang Mỹ do tính chất công việc part-time phiên dịch Anh – Nhật, ban đầu mình chọn B1/B2 nhưng đến phút chót lại chọn B1. Theo những thông tin mình tìm hiểu được thì B1/B2 có phạm vi rộng hơn bao gồm cả Business và Travel, còn B1 sẽ bị hạn chế chỉ trong Business. Nên mình nghĩ để an toàn mọi người cứ nên chọn B1/B2 nhé. Dù lúc đăng ký chọn B1 nhưng lúc nhận visa của mình vẫn là B1/B2.

Đăng ký online

Tiếp theo đó là vào trang đăng ký online của đại sứ quán Mỹ theo đường link sau.

https://ceac.state.gov/GenNIV/Default.aspx

Để tránh nhầm lẫn mình cứ chọn ngôn ngữ tiếng Việt thôi, không chọn tiếng Nhật. Lúc điền thông tin, các bạn nhớ xem kỹ các mẫu điền sẵn trên mạng trước để tránh nhầm vị trí họ và tên. Cố gắng điền đầy đủ mọi thông tin có thể .

Theo mình, không cần điền tên hãng máy bay, giờ bay, chuyến bay trước. Nếu đặt vé máy bay trước mà trượt visa thì có phải lại mất công hủy vé, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc đúng không nào? Thông tin quan trọng cần điền là địa điểm, lịch trình của mình khi ở Mỹ. Thời gian điền khá lâu mà để bảo mật thông tin cứ 20 phút trang web lại tự out ra 1 lần nên các bạn lưu ý nhớ ID, password đăng nhập và làm đến đâu lưu lại luôn đến đó tránh trường hợp phải mất công điền lại từ đầu.

Liệu bạn có quay trở lại Việt Nam?

Nhân viên của đại sứ quán Mỹ vô cùng để ý và lưu tâm đến việc liệu bạn có quay trở lại Việt Nam (trường hợp của mình là Nhật) không? Có nhiều trường hợp trốn ở lại bên đó mà, nên họ sẽ hỏi nhiều về sự ràng buộc khiến bạn cần phải quay trở về. Trường hợp của mình là đi Mỹ tháng 1 nhưng tháng 3 mới tốt nghiệp nên chắc chắn mình phải quay lại Nhật để hoàn thành chương trình học.

Kinh nghiệm xin visa đi Mỹ từ Nhật của sinh viên Việt 9X (2018-2019)
Nhân viên của đại sứ quán Mỹ vô cùng để ý và lưu tâm đến việc liệu bạn có quay trở lại Việt Nam (trường hợp của mình là Nhật) không?

Tài chính

Tiếp đó là vấn đề tài chính, bạn có nhiều tiền đi Mỹ không? Về điểm này, trong quá trình nộp hồ sơ chúng ta cũng cần phải nộp chứng minh tài chính (sổ ngân hàng có số dư). Trường hợp của mình do đi cùng công ty, được công ty chi trả toàn bộ chi phí nên khi bị hỏi, mình đã trả lời “Tất nhiên là em có, nhưng giám đốc trả tiền hết cho em rồi”. Thực ra mình chẳng có nhiều đâu, nhìn vào sổ ngân hàng của mình cũng biết, khi ấy mình vẫn là du học sinh mà. Nhưng quan trọng lúc đó bạn phải thật tự tin và thần thái như một rich kid :))) Bởi lẽ một trong những lý do lớn bị từ chối visa Mỹ chính là vấn đề tài chính đó.

Lịch sử du lịch

Bạn đã có kinh nghiệm đi bao nhiêu nước rồi? Thấy bảo càng nhiều càng tốt nhưng hộ chiếu mình có mỗi đi Singapore và Nhật thôi.

Ảnh thẻ

Tiếp nữa là vấn đề ảnh đăng ký online và ảnh thật khi nộp hồ sơ phỏng vấn. Lúc up ảnh online mặc dù được yêu cầu ảnh gần nhất (chụp trong vòng 6 tháng) nhưng mình vẫn nộp ảnh cũ cách đó 2 năm. Tất nhiên sau đó mình có chụp lại ảnh mới để nộp hồ sơ offline nhưng xấu quá. Bạn nào ở Nhật chụp ảnh ở máy chụp ảnh tự động của Nhật chắc biết điều này. Nên mình quyết định nộp ảnh cũ cách đây 2 năm giống ảnh mình đã đăng ký online.

Tuy nhiên lúc nộp hồ sơ trực tiếp tại đại sứ quán, nhân viên người Nhật trong đó đã yêu cầu mình chụp lại và gửi luôn cho họ lúc đó. Do họ nhìn ảnh giống hệt với ảnh trên 在留カード của mình. Thật may mắn là ngay trong đại sứ quán có máy chụp tự động さすが日本ですね Giá 1000 yên cho 1 lần chụp, nên các bạn đừng lo vấn đề này nhé. Lưu ý khi chụp cần vén tóc qua tai để nhìn rõ mặt là ok.

Lệ phí

Sau khi điền đầy đủ thông tin online, các bạn cần phải đóng lệ phí để hoàn thành đơn và tự hẹn ngày phỏng vấn. Ở Việt Nam hình như là mang tiền trực tiếp đến đóng, còn ở Nhật mình thanh toán qua thẻ Visa, tính ra hết khoảng 18400 yên đó. Rất tiện lợi.

Hồ sơ phỏng vấn

Khi đi phỏng vấn, tự mình là người sắp xếp hồ sơ. Mình sẽ liệt kê các tài liệu dưới đây cho trường hợp mình là du học sinh nhé. Hồ sơ cả bằng tiếng Nhật và Anh. Nhưng mình cũng nghe nói không nhất thiết tất cả hồ sơ phải có tiếng anh đính kèm, nhiều người mất rất nhiều phí để biên dịch giấy tờ. Nhưng quan điểm cá nhân mình có vẫn hơn không, mà để không mất phí thì mình có thể tự dịch.

1. Bảng điểm tại trường đang học

Mình xin bảng tiếng Anh – học cao học bên Nhật.

2. Giấy mời đi Mỹ Letter Invitation

Đoàn mình lúc đó toàn người Nhật, người Ý, duy nhất mình là người Việt Nam và chỉ có mỗi mình cần visa. Mình đã yêu cầu giám đốc viết riêng thư mời cho mình, trong đó ghi rõ đi Mỹ với mục đích gì, tham gia sự kiện gì, tên các thành viên trong nhóm, nhiệm vụ của mình trong chuyến đi lần này và quan trọng nhất mình bảo giám đốc viết toàn bộ chi phí của chuyến đi do công ty chi trả – để trả lời câu hỏi về vấn đề tài chính.

3. Hợp đồng làm thêm của mình với công ty Labour Contract

4. Profile của công ty 会社のパンフレット

Để nhân viên đại sứ quán có thể biết về công ty mình là công ty gì.

5. Giấy in vé máy bay online đã đặt, địa chỉ khách sạn ở San Francisco mình sẽ ở

6. Lịch trình 

Ghi rõ theo từng ngày như ngày đi, ngày về, các ngày ở Mỹ sẽ làm gì, ở đâu …

7. Hộ chiếu gốc, thẻ 在留カード gốc 

Nhưng vẫn cần bản sao hộ chiếu (tất cả các trang), bản sao thẻ 在留カード, bản sao sổ ngân hàng nhé. Để chứng minh tài chính, lưu ý là sổ ngân hàng của mình có in rõ tên công ty mình làm thêm chuyển lương đều hàng tháng vào tài khoản của mình nhé.

8. Giấy đăng ký lịch hẹn appointment confirmation

Sau khi hoàn thành đăng ký online và thanh toán lệ phí, người ta sẽ gửi vào email cá nhân cho các bạn.

9. Giấy khám sức khỏe 

Mình không rõ có bắt buộc không, nhưng mình có sẵn nên cứ nộp.

Phỏng vấn

Khi đến đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, mình thấy một không khí vô cùng nghiêm trang nhưng phòng cảnh thì thật hữu tình. Có rất nhiều cảnh sát đứng ngoài, họ sẽ hỏi bạn đi đâu, cho bạn vào nhưng ngay sau đó nói trong bộ đàm rằng cô gái… có đặc điểm… đang đi vào.

Các bạn nên đến sớm trước lịch hẹn 30 phút (mình đi sớm quá nên vào rồi lại ra ngoài uống cafe đợi), tối giản hành lý (mình đã phải gửi đồ ở locker trong ga tàu gần đó nhất) nhé. Điện thoại vẫn được mang vào nhưng sẽ được yêu cầu để chế độ không bật bluetooth.

Các bạn nên đến sớm trước lịch hẹn 30 phút

Qua phần kiểm tra hành lý và gửi đồ, bạn sẽ được vào trong xếp hàng, sau đó mở sẵn hộ chiếu để họ dán mã code (là một tờ giấy trắng dán trực tiếp lên bìa hộ chiếu có ghi sẵn tên và mã code của mình). Khi vào trong phòng chờ, các bạn hoàn toàn có thể bắt wifi free trong đó, xem ti vi hay nói chuyện phiếm với mọi người.

Nói vậy thôi chứ trò chuyện nhưng đừng quên để ý bảng điện tử trên quầy nhân viên, họ sẽ đọc mã số đợi của bạn (xuất hiện trên bảng điện tử). Khi đó sẽ lần lượt làm các việc: nộp bộ hồ sơ giấy gốc (lúc đó mình nói tiếng Nhật với nhân viên người Nhật), lấy dấu vân tay (nói tiếng Anh ) và cuối cùng đợi phỏng vấn (interview in English).

Phần này có lẽ nhiều người quan tâm, mình không biết có đúng không, nhưng trên mạng nói lúc chúng ta nộp hồ sơ online thì 80% nhân viên đại sứ quán đã quyết định mình đỗ hay trượt rồi chứ không phải phụ thuộc vào lúc phỏng vấn . Anyway, mình làm hết sức có thể, cố tỏ ra vui vẻ, thoải mái nhưng hôm đó chẳng hiểu sao gặp 1 anh Mỹ da đen rất lạnh lùng nên mình cũng mất hứng, mặt cũng lạnh tanh luôn :))

Anh ta lướt qua hồ sơ của mình, hỏi những câu hỏi sau:

Q1: Tại sao em đi Mỹ?

A1: Em đi vì business.

Q2: Em đi vì business?

A2: Thực ra em vẫn là học sinh, đây là part-time của em, em phiên dịch Nhật – Anh.

Q3: Bao giờ em tốt nghiệp?

A3: Tháng 3 năm 2019.

Q4: Em có tiền không?

A4: Em có, nhưng giám đốc em trả hết cho em mà. Em không cần quan tâm vấn đề tài chính. Em đi theo đoàn.

Q5: Em đi theo đoàn à?

A5: Vâng, với người Nhật và Ý.

Q6: Em đi bao lâu? Đi đâu?

A6: Em đi San Francisco, đi từ ngày …. đến ngày ….

Q7: Ok. Chúng tôi sẽ gửi kết quả cho em trong vòng 1-2 tuần nhé .

A7: Cám ơn anh – Và lúc đó mình mới nở được nụ cười.

Sau đó anh ta giữ lại bộ hồ sơ trong đó có hộ chiếu gốc của mình. Cuộc phỏng vấn chóng vánh diễn ra chưa đến 5 phút làm lúc ra về rồi mình vẫn cứ ngồi dưới gốc cây gần đó ngây người ra mãi rồi lấy điện thoại lên mạng đọc xem thông tin. Mọi người bình luận thường nhân viên phỏng vấn nói goodluck và phát cho tờ giấy gì đó mới là đỗ khiến mình hoang mang, vì anh Mỹ đen này chẳng chúc gì mình :)) Ngồi thêm lúc nữa mình mới nhận ra mình ở Nhật chứ không phải Việt Nam, mà việc giữ lại passport là đỗ rồi. Còn trượt người ta trả hồ sơ và hộ chiếu lại ngay lúc đó.

Tổng kết

Tổng kết lại cho bài viết quá dài và tâm huyết của mình là chính là khâu chuẩn bị hồ sơ. Cần phải nắm bắt tâm lý người Mỹ rất sợ người Việt mình trốn ở lại, cần phải thể hiện rõ mình sang Mỹ với mục đích chơi (du lịch), làm business (làm giàu cho nước bạn đó) … và chắc chắn mình sẽ quay về Việt Nam (Nhật bản) vì…. ( như mình là tốt nghiệp ) .

Có thể mình làm hồ sơ lợi thế hơn các trường hợp đi du lịch và thăm thân vì mình không cần lo vấn đề tài chính, đi thực sự vì mục đích công việc, đi theo đoàn (không đơn lẻ), lịch trình làm việc, địa chỉ khách sạn mình ở và vé máy bay được đặt rõ ràng… nên với trường hợp các bạn đi du lịch và thăm thân (thực ra qua bên đó lịch trình đi chơi của mình cũng nhiều lắm, chứ không có mỗi làm đâu), các bạn cố gắng ghi rõ lịch trình đi chơi, nội dung giấy mời đáng tin cậy vào nhé .

Chúc các bạn may mắn☘

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai