Cách bản thân xử lý vấn đề tâm lý khi sống và làm việc một mình ở Nhật

Mình sang Nhật được 7 năm, 4 năm Đại học 3 năm đi làm. Trong 7 năm thì mình có 2 đợt bị vấn đề tâm lý ảnh hưởng rõ rệt tới chất lượng cuộc sống, đó là kì 2 năm nhất ĐH và lúc 新入社員研修. Ai cũng có lúc này lúc kia, nhưng khi tình trạng down mood kéo dài tầm 1 tháng trở lên thì mình coi đó là vấn đề thực sự. 

Mình xin chia sẻ 3 cách đã dùng để vượt qua những lúc này, mong rằng có thể giúp ích cho mọi người trong thời kỳ WFH/Covid này. Cả nhà có cách nào riêng của bản thân thì cùng share nhé ?

(Lưu ý là mình/cư dân mạng không phải bác sĩ hay được đào tạo chuyên môn về tâm lý trị liệu nên thông tin mình đưa ra chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn cảm thấy vấn đề của bản thân đang ảnh hưởng rõ rệt tới chất lượng cuộc sống (mất ngủ, chán ăn, không có động lực sống v.v…) Trong một thời gian dài, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý trước khi nói chuyện với gia đình hay cố gắng tự giải quyết. Có thể gặp bác sĩ 1 buổi về bạn sẽ thấy ổn hơn, hoặc là muốn tiếp tục gặp để điều trị, tuỳ do bạn chọn) 

Qua nhiều chuyện thì mình học được là không nên tự gán bệnh cho bản thân quá mức. Thời đại Internet lên mạng search triệu chứng bệnh thì không thiếu. Theo chẩn đoán của bản thân thì mình bị trầm cảm, bipolar (rối loạn cưỡng cực), anxiety (lo lắng), panic disorder (rối loạn hoảng sợ), ung thư da (???). Nhưng rõ ràng:

1) bản thân không phải chuyên gia

2) khi đã tự gán cho mình cái mác bị vấn đề thì mình có thể sẽ khó thoát ra và có xu hướng tự hành động để cái vấn đề đó thành thật (self-fulfilling prophecy)

Và 3) nếu đang trong lúc hoảng loạn/ trầm cảm thì chính mình không suy nghĩ rõ ràng được, nên kết luận của mình chưa chắc đã đúng. 

Coi như cái mình tìm thấy chỉ là giả thuyết hoặc thông tin tham khảo thôi, và mình phải phải hành động để xem giả thuyết có đúng hay không.

Những cách mình đã dùng là:

1) Therapy

Trường ĐH của mình có counselor miễn phí bằng tiếng Anh. Lúc mới qua, tiếng Nhật của mình không tốt và mình bị mất ngủ, nên mình book lịch gặp hàng tuần bằng cách gọi lên văn phòng trường. Mình đi gặp counselor tầm hơn 1 tháng, chỉ để nói chuyện hỏi han tình hình thôi. Qua một thời gian thì mình bớt mất ngủ nên cũng dừng. Sau đó khi gặp vấn đề khác thì mình đi gặp therapist (online, gặp mặt). Mình google “English counselor”, check bằng cấp của họ rồi đặt lịch và tới. Tuy nhiên, chỗ đó không được bảo hiểm nên đắt (6000y/buổi 45p), mình đi 1 buổi rồi dừng. Buổi đó gặp therapist mình khóc tu tu rồi đi về là nhìn ra giải pháp.

2) Tin người khác và tìm ai đó đáng tin để tâm sự

Nói chuyện với bố mẹ, gia đình, bạn bè, và thật lòng chia sẻ mình đang gặp vấn đề. Nếu ai đó không nghe thì thôi, không phải lỗi của họ mà cũng không phải do mình, mình sẽ tìm người khác chia sẻ. Sẽ có ai đó vui vẻ lắng nghe và ở bên cạnh, quan trọng là phải đi tìm. 

Tuy nhiên, mình không dồn hết vấn đề của mình lên 1~2 người và bám vào họ như cái phao, mà mình chia sẻ bớt cho một vài người, để không nặng gánh cho họ và làm mối quan hệ tệ đi. Người đó cũng sẽ không giải quyết vấn đề cho mình được, nhưng việc nói ra thường giúp mình có cách nhìn khác nhẹ nhàng hơn. Thời gian WFH mình gọi cho nhà 2~3 lần/ngày. Gọi giờ ăn cơm để cùng ăn với nhau, xem tivi thời sự với nhau v.v…

(Với mình cách này hiệu quả nhất)

3) Tự giáo dục bản thân

Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh đúng với cả tâm bệnh. Lúc đang bình thường không có vấn đề gì mình hay nghe podcast, đọc sách, tạp chí về tâm lý, tìm hiểu về CBT (cognitive behavioural therapy), v.v… Podcast trên iphone là miễn phí nên tội gì không nghe ~

Những podcast mình hay nghe là: 

  • You Are Not So Smart
  • The Knowledge Project
  • Rationally Speaking: exploring the borderlands between reason & nonsense.
  • Tạp chí: psychologytoday.com (dễ đọc)

Với mình vấn đề tâm lý không phải là chỗ đo độ cứng cỏi hay chỉ cần rèn luyện bản lĩnh là vượt qua được. Phải coi nó như một con sông chảy xiết trong bóng tối. Nếu cắm đầu đi qua hên thì lành lặn, xui thì chết và quan trọng là dại. Vậy nên biết cách đóng thuyền, biết cách dùng đèn pin, biết cách bơi sải, mặc áo phao v.v… thì mới vượt qua được. Gặp bác sĩ giống như đi gặp thợ đóng thuyền, họ sẽ chỉ cho mình cách đóng thuyền như thế nào, còn việc vượt qua tất nhiên là do bản thân mình rồi. Chúc mọi người vượt qua được thời kì này nha!

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai