Chuyển hoá lo lắng thành vũ khí trong cuộc sống

Từ tâm sự của những bệnh nhân..

Mình là Hayashi Huệ, hiện đang làm việc trong ngành y tại Nhật.   

Trong gần 20 năm làm bệnh viện, mình đã được nghe tâm tình của rất nhiều bệnh nhân. Là người Nhật thì từ người vô gia cư cho tới quan chức chính phủ; là người Việt qua Nhật khám chữa bệnh thì từ người từng bán nhà cửa qua chữa bệnh, doanh nhân và cả quan chức lãnh đạo cấp cao; là bệnh nhân quốc tế thì từ người Trung Quốc, Đài Loan, tới Mỹ, Đức. Khi phiên dịch tại một số bệnh viện mình cũng đã gặp rất nhiều các em trẻ và hỗ trợ rất nhiều ca nặng từ tai nạn nặng, lao, HIV, ung thư giai đoạn cuối, hay chấn thương sọ não…

Mình cũng từng tiễn đưa, mặc “áo quan” cho rất nhiều người vì ở Nhật đa số sẽ sống những ngày cuối đời tại bệnh viện. Do tính chất nghề nghiệp nên ít nhiều mình phải biết khi nào họ sắp đi để giúp họ thực hiện nguyện vọng cuối đời như muốn được gặp ai đó trước khi lên thiên đàng. Mình không nói quá khi ở viện, mình nhìn mặt họ là đoán chừng “khi nào họ sẽ về gặp Ngọc Hoàng”. Tất cả những cuộc đời đi qua may mắn có, bất hạnh có, và mình coi như bản thân đã có duyên với nghề.

Khi lắng nghe và được nhận được nhiều bài học quý giá từ họ, mình muốn biến chúng thành những thông tin có ích để khuyến khích các bạn trẻ biết cách phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm. Khi bạn khỏe, bạn sẽ có sức để yêu, để sống hạnh phúc và để thực hiện ước mơ của bản thân. Trong cuộc sống hẳn sẽ có những khoảng thời gian người ta sẽ bị tụt xuống đáy vực, và khi đã đứng ở đáy vực rồi mà đứng lên được thì quãng đời sau đó chắc sẽ khác. Mình đã từng ở đáy vực nên giờ đã không còn âu lo nữa, mỗi ngày đều sống trọn từng phút giây.

Khi bạn khỏe, bạn sẽ có sức để yêu, để sống hạnh phúc và để thực hiện ước mơ của bản thân. Trong cuộc sống hẳn sẽ có những khoảng thời gian người ta sẽ bị tụt xuống đáy vực, và khi đã đứng ở đáy vực rồi mà đứng lên được thì quãng đời sau đó chắc sẽ khác.

Chuyển hoá lo lắng: chia để trị 

Chuyển hóa lo lắng: chia để trị
Hãy thử phân chia và nhận định xem “lo lắng” thuộc loại nào.

Qua kinh nghiệm của bản thân và từ những câu chuyện mình đã lắng nghe được, sau đây những việc mình đã và đang làm để giải quyết lo lắng của bản thân, nếu các bạn thấy phù hợp có thể thử áp dụng thử giống mình xem sao. Đó là khi bạn lo lắng, hãy thử phân chia và nhận định lại, thử xem lại “lo lắng” đó thuộc loại nào trong 3 loại sau: loại mình làm chủ, loại người khác làm chủ, và loại không ai làm chủ. 

Loại mình làm chủ 

Đó có phải là chuyện của mình, chuyện mình có thể chủ động quyết định được. Ví dụ hôm nay ăn gì, có tiền tiêu không, làm việc gì, mấy giờ ngủ, có gọi điện cho bố mẹ bạn bè không? Có đổi việc không? Nghe bản nhạc để tâm trạng tốt hơn hay đăng ký học để nâng cao kỹ năng mới. 

Loại người khác làm chủ 

Đó là chuyện người khác làm chủ, mình không quyết được. Buồn vì mình giúp đứa bạn mà nó không cảm ơn, anh chị em ly hôn các thứ chuyện thuộc quyền quyết định của người khác.

Loại không ai làm chủ

Đó là chuyện trời đất như thiên tai dịch bệnh, không ai quyết được thời điểm hiện tại để thay đổi ngay lập tức. Người nhiễm Covid tăng mạnh, lũ lụt khắp nơi, sự nóng lên của trái đất. Với chuyện này không nên lo lắng thái quá vì có suy nghĩ trăn trở những việc này cũng không thay đổi được gì ngày một ngày hai. Hãy cố gắng sống tốt và tuân thủ để bảo vệ môi trường sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Chia rồi, thì dùng thế nào? Nhìn xuống và nhìn lên

Sau khi phân loại và hiểu được loại lo lắng, bạn có thể dùng sự hiểu này để đối mặt với lúc buồn chán, hoặc khi muốn phấn đấu như sau: 

Khi buồn chán, lo lắng

Bạn thử nhìn nhận lại xem đó thuộc vấn đề nào trong 3 vấn đề trên. Khi không có đủ “năng lượng” hãy chỉ cần tập chung vào việc thứ Nhất là ổn. “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống sẽ thấy chẳng ai bằng mình”. Khi xuống tinh thần lúc đó bạn hãy thử “nhìn xuống” xem nhé. Trong viện một phương pháp điều trị tinh thần cho người bệnh đó là để họ nhìn tiếp xúc với những người “bệnh nặng hơn”. Bạn cũng thử xem nó cũng sẽ hiệu quả với bạn đó.

Khi cần phấn đấu

Bạn hãy thử “nhìn lên”. Ở bệnh viện khoa hồi phục chức năng là nơi nhiều bệnh nhân nhận được năng lượng tích cực. Vì ở đây nhiều bệnh nhân sau chấn thương còn không thể thực hiện được những nhu câu cơ bản như đi được, ngồi được, viết được. Họ miệt mài tập luyện để có thể thực hiện trở lại được điều đơn giản mà khi khỏe mạnh không ai suy nghĩ về điều đó. Chắc chắn không ai muốn tưởng tượng một ngày nào đó mình như vậy. Bạn khỏe mạnh, bạn muốn được thăng tiến, muốn thành công trong tương lai hãy nhìn lên sẽ dễ phấn đấu.

Chúc các bạn luôn vui vẻ và tìm luôn tìm thấy hạnh phúc từ những việc nhỏ.

Lan man một ngày hè.

16/08/2020 Hayashi Huệ

Mọi đóng góp, trao đổi, ý kiến xây dựng về bài viết này xin được gửi về địa chỉ email: dilamtainhat.vpj@gmail.com.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai